Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi

Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, qua Quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng đối với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội.

Tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích tự nhiên là 1.236 km2, dân số trung bình 1.191.782 người (2021), gồm 9 đơn vị hành chính là: Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo, Bình Xuyên; 136 xã, phường, thị trấn.

Vĩnh Phúc nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi trung du với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía Bắc tựa lưng vào dãy núi Tam Đảo, phía Tây và Nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, Vĩnh Phúc có địa hình đa dạng, thấp dần từ Tây Bắc xuống Tây Nam và tạo nên các vùng sinh thái rõ rệt: đồng bằng, trung du và miền núi.

Vĩnh Phúc có hệ thống sông, suối, hồ ao khá dày đặc, chế độ thuỷ văn của tỉnh phụ thuộc vào chế độ thuỷ văn của hai con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Lô.

Vĩnh Phúc nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 23,2 – 25oC (riêng vùng núi Tam Đảo với độ cao trên 900m có nhiệt độ trung bình 18,3oC), cao nhất vào các tháng 6, 7, 8 và thấp nhất vào các tháng 12, 1, 2. Lượng mưa trong năm 1.500 – 1.700 mm, lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 6, 7, 8; chiếm trên 60% lượng mưa cả năm. Tổng số giờ nắng trong năm từ 1.500 – 1.600 giờ (Tam Đảo 1.000 – 1.200 giờ). Mùa hè có số giờ nắng cao, các tháng cuối mùa đông có số giờ nắng thấp.