Tổng quan điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

I. Điều kiện tự nhiên

1. Lịch sử hình thành

Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập vào năm 1950, do sự kết hợp của hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập vào năm 1997.

Tính đến năm 2021 Vĩnh Phúc có diện tích  1.236 km2 với dân số 1.191.782 người, mật độ dân số khoảng 964 người/km2.

2. Vị trí địa lý

Vĩnh Phúc thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Đông và phía Nam giáp thủ đô Hà Nội.

Vĩnh Phúc nằm trên Quốc lộ số 2, đường sắt Hà Nội – Lào Cai và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc), là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Những lợi thế về vị trí địa lý kinh tế đã đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

3. Địa hình

Vĩnh Phúc nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi trung du với vùng đồng bằng Châu thổ Sông Hồng. Bởi vậy, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và chia làm 3 vùng sinh thái: đồng bằng, trung du và vùng núi.

Vùng núi có diện tích tự nhiên 65.500 ha; Vùng trung du kế tiếp vùng núi, chạy dài từ Tây Bắc xuống Đông – Nam có diện tích tự nhiên khoảng 25.100ha; Vùng đồng bằng có diện tích 33.500ha.

4. Khí hậu, thủy văn

Về khí hậu: Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình năm  23,20C– 250C, lượng mưa 1.500 – 1.700 ml; độ ẩm trung bình 84 – 85%, số giờ nắng trong năm 1.400 – 1.800 giờ. Hướng gió thịnh hành là hướng Đông – Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 9, gió Đông – Bắc thổi từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, kèm theo sương muối. Riêng vùng núi Tam Đảo có kiểu khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình 18­oC) cùng với cảnh rừng núi xanh tươi, phù hợp cho phát triển các hoạt động du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.

Thuỷ văn: Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều con sông chảy qua, song chế độ thuỷ văn phụ thuộc vào 2 sông chính là sông Hồng và sông Lô. Sông Hồng chảy qua Vĩnh Phúc với chiều dài 50km, đem phù sa màu mỡ cho đất đai. Sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc dài 35km, có địa thế khúc khuỷu, lòng sông hẹp, nhiều thác gềnh.

5. Tài nguyên, khoáng sản

Tài nguyên thiên nhiên của Vĩnh Phúc gồm có: Tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch.

Tài nguyên nước: Gồm nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt của tỉnh khá phong phú nhờ hai sông Hồng và Sông Lô cùng hệ thống các sông nhỏ như: sông Phó Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ và hàng loạt hồ chứa (Đại Lải, Xạ Hương, Vân Trục, Đầm Vạc..) dự trữ khối lượng nước khổng lồ, đủ để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước ngầm có trữ lượng không lớn, đạt khoảng 1 triệu m3/ngày-đêm.

Tài nguyên đất: Trên địa bàn tỉnh có 2 nhóm đất chính là: Đất phù sa và đất đồi núi. Hiện trạng sử dụng đất tính đến năm 2015: Tổng diện tích 123.513 ha; Đất nông nghiệp 92.920 ha chiếm 75,23%; Đất phi nông nghiệp 29.311 ha chiếm 23,73%; Đất chưa sử dụng 1.282 ha chiếm 1,04%.

Tài nguyên rừng: Tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 32,12 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất là 14,12 nghìn ha, rừng phòng hộ là 2,95 nghìn ha và rừng đặc dụng là 15,05 nghìn ha. Tài nguyên rừng đáng kể nhất của tỉnh là Vườn Quốc gia Tam Đảo với trên 15 nghìn ha, là nơi bảo tồn nguồn gen động thực vật (có trên 620 loài cây thảo mộc, 165 loài chim thú), trong đó có nhiều loại quý hiếm được ghi vào sách đỏ như cầy mực, sóc bay, vượn. Rừng Vĩnh Phúc ngoài việc bảo tồn nguồn gen động, thực vật còn có vai trò điều hoà nguồn nước, khí hậu và có thể phục vụ cho phát triển các dịch vụ thăm quan, du lịch.

Tài nguyên khoáng sản: Nhìn chung, Vĩnh Phúc là tỉnh ở vị trí chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nên rất nghèo về tài nguyên khoáng sản. Khoáng sản có giá trị thương mại trên địa bàn chỉ bao gồm một số loại như: đá xây dựng, cao lanh, than bùn song trữ lượng không lớn và điều kiện khai thác hạn chế.

Tài nguyên du lịch: Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Có Tam Đảo là dãy núi hình cánh cung, độ cao trên 1500m, dài 50 km, rộng 10 km với phong cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, nổi tiếng với Khu du lịch quốc gia Tam Đảo. Đặc biệt có Vườn Quốc gia Tam Đảo và các vùng phụ cận thuộc loại rừng nguyên sinh có nhiều loài động thực vật được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó Vĩnh Phúc còn có hệ thống sông ngòi, đầm hồ tương đối phong phú, địa thế đẹp có thể vừa phục vụ sản xuất vừa có giá trị cho phát triển du lịch như: Đại Lải, Dị Nậu, Vân Trục, Đầm Vạc, Đầm Dưng, Thanh Lanh… Tiềm năng tự nhiên cho phát triển du lịch kết hợp với các giá trị (tài nguyên) văn hóa truyền thống phong phú sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội Vĩnh Phúc.

6. Các đơn vị hành chính

Tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính, gồm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Tổng số có 136 xã phường, thị trấn.

Tỉnh lỵ của Vĩnh Phúc là thành phố Vĩnh Yên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 25km.

7. Dân số và nguồn nhân lực

Dân số trung bình năm 2021 khoảng 1.191.782 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 10%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động 578.405 người, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm 63%.

Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp gồm: 03 trường đại học; 07 trường cao đẳng; 03 trường trung cấp; 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; 04 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác.

Số học sinh tốt nghiệp bình quân hàng năm: Trên 16.000 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng; trên 4.000 người tốt nghiệp đại học.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo có cấp chứng chỉ tăng hàng năm. Năm 2022 tỷ lệ lao động qua đào tạo là trên 76%. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn lao động.

Tổng số các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh đang sử dụng trên 210.000 lao động, trong đó trên 160.000 lao động tại tỉnh và trên 50.000 lao động ngoại tỉnh. Vĩnh Phúc với vị trí địa lý thuận lợi, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội do vậy Vĩnh Phúc dễ dàng thu hút lao động chất lượng cao từ Hà Nội cũng như lao động khác từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống và làm việc.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đào tạo nghề cung ứng cho các doanh nghiệp; Cùng với tốc độ gia tăng dân số, trong những năm tới lực lượng lao động sẽ tăng đáng kể do dân số bước vào tuổi lao động ngày càng nhiều. Mỗi năm tỉnh có trên 1 vạn người bước vào độ tuổi lao động, đây là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh tế – xã hội.

II. Phát triển kinh tế xã hội

Tốc độ tăng trưởng GRDP:

Tốc độ tăng trưởng bình quân 18 năm (1997-2022):    13,3%/năm

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): tương đương khoảng 6,6 tỷ USD (năm 2022)

GRDP bình quân đầu người: 6.000 USD (năm 2022)

Cơ cấu kinh tế (năm 2022):

– Công nghiệp – Xây dựng:  64,4%

– Thương mại – Dịch vụ:      28,7%

– Nông lâm thuỷ sản (%):     6,8%

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI):

– Năm 2020: Điểm 63,84; xếp hạng 29; nhóm điều hành Khá

– Năm 2020: Điểm 69.69; xếp hạng 5; nhóm điều hành Rất tốt

– Năm 2022: Điểm 68.91; xếp hạng 8; nhóm điều hành Rất tốt

Đầu tư trực tiếp trong nước: tính đến hết tháng 6 năm 2022

– Số lượng dự án: 830 dự án

– Tổng số vốn đầu tư đăng ký:  trên 132.000 tỷ VNĐ

Đầu tư trực tiếp nước ngoài: tính đến hết tháng 6 năm 2022

– Số lượng dự án:  453 dự án

– Tổng vốn đầu tư đăng ký:  trên 7,76 tỷ USD

Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội:

Phấn đấu đến năm 2025: Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.

Đến năm 2030: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; thu nhập thực tế bình quân đầu người của tỉnh đạt 130 – 135 triệu đồng.

Tầm nhìn đến năm 2045: Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.