Chính sách thu hút đầu tư

Chính sách thu hút đầu tư

1.Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư:

– Các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…;

– Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội;

2. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc:

Danh mục 58 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư; bao gồm: các dự án quy mô lớn; Các dự án chợ; Các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp; Các dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp; Các dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt; Các dự án y tế, giáo dục, du lịch, môi trường; Các dự án đầu tư trực tiếp khác;

(Có danh sách chi tiết đính kèm).

3. Các chính sách hỗ trợ đầu tư

Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tỉnh Vĩnh Phúc có các chính sách hỗ trợ đầu tư như sau:

*) Chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

– Hỗ trợ chi phí lập hồ sơ, thủ tục giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc (Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cơ quan chủ trì: Sở Xây dựng);

– Hỗ trợ chi phí lập Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh  (Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch & Đầu tư);

– Hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong các KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách (Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 03/10/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cơ quan chủ trì: Ban quản lý các KCN);

– Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 9/10/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cơ quan chủ trì: Sở Lao động- Thương binh & Xã hội);

– Hỗ trợ chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đối với các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư giai đoạn 2017-2025 (Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cơ quan chủ trì: Sở Thông tin & truyền thông);

– Hỗ trợ chi phí  lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư giai đoạn 2017-2025 (Quyết định số 53/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường).

*) Chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm

– Hỗ trợ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức phân luồng học nghề và giải quyết việc làm: 5 triệu đồng/trường/năm.

– Đối với người lao động tự tạo việc làm mới tại chỗ, ổn định có dự án được cơ quan có thẩm quyền thẩm định: Được vay tối đa 100 triệu đồng từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh.

– Hỗ trợ người học sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và làm việc ít nhất đủ 12 tháng liên tục tại 01 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp được hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng; Sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng đại trà được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; Sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng chương trình chất lượng cao được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng.

*) Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hỗ trợ các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

Hỗ trợ 100% kinh phí cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất;

Hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu;

Hỗ trợ 100% áp dụng trong việc xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

*) Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Hỗ trợ 50% chi phí nhưng tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi lợn;

Hỗ trợ 70% chi phí nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả, hoa an toàn các loại theo quy trình VietGap;

Hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/ha đối với trồng cây tập trung và không quá 25 triệu đồng/ha đối với cây trồng dưới tán rừng đối với dự án trồng cây dược liệu.

4. Các dự án hạn chế, không thu hút đầu tư từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc:

*) Các dự án hạn chế đầu tư đối với đầu tư nước ngoài:

– Các dự án ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường tại Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

– Các dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại  Mục I, Phụ lục II, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

– Các dự án sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có công nghệ đã qua sử dụng và lạc hậu theo yêu cầu tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

– Khu vực Tam Đảo I, Tam Đảo II, huyện Tam Đảo.

– Khu vực hồ Đại Lải và địa bàn xã Ngọc Thanh, thành Phố Phúc Yên.

– Khu vực xung quanh hồ Thanh Lanh và phía Bắc xã Trung Mỹ (giáp tỉnh Thái Nguyên), huyện Bình Xuyên.

– Khu vực xung quanh hồ Xạ Hương và khu vực thôn Bàn Long, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.

– Khu vực xung quanh hồ Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo

– Khu vực xung quanh hồ Đồng Mỏ, hồ Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

– Khu vực xung quanh hồ Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch.

– Khu vực xung quanh hồ Bò Lạc, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô.

– Khu vực khu danh thắng Tây Thiên và khu phía Bắc xã Đại Đình (giáp tỉnh Thái Nguyên), huyện Tam Đảo.

*) Các dự án không thu hút đầu tư:

– Các dự án thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020.

– Các dự án sử dụng công nghệ cấm chuyển giao quy định tại Mục I, Phụ lục III, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

– Các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không đáp ứng các yêu cầu của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ  quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

– Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

– Ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng.

*) Các dự án không thu hút đối với đầu tư nước ngoài:

– Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức.

– Dịch vụ điều tra và an ninh.

– Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

– Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

– Thu, mua, xử lý tài sản công tại các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

– Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự và công an, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

– Dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên (bao gồm khai thác gỗ và săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã quý hiếm, quản lý quỹ gen cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp).