Công nghiệp xe điện
Vĩnh Phúc kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và phụ trợ xe điện, từng bước trở thành một “Trung tâm sinh thái sản xuất ô tô hàng đầu ở khu vực phía Bắc”.
Theo định hướng phát triển ngành ô tô Việt Nam, ngoài phát triển các loại xe tải, xe thông dụng và một số loại xe chuyên dùng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn thúc đẩy sự phát triển của ngành phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, trong đó đặc biệt “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid , xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…)”.
Trên cơ sở lợi thế lớn nhất có sẵn là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô-xe máy và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất cho một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới (Toyota, Honda, Ford, Yamaha,…), trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Vĩnh Phúc kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và phụ trợ xe điện, từng bước trở thành một “Trung tâm sinh thái sản xuất ô tô hàng đầu ở khu vực phía Bắc”.
Việc thu hút phát triển công nghiệp sản xuất và phụ trợ xe điện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dựa trên một số lợi thế như sau: (1) ngành cơ khí chế tạo và sản xuất kim loại trên địa bàn tỉnh trong các giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển khá về số lượng và chất lượng; nhờ vậy đã giúp cho tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô-xe máy khá cao và đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái linh kiện ô tô; (2) nhu cầu sử dụng xe điện trên thế giới có xu hướng tăng dần, điều này sẽ hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất xe điện; (3) Vĩnh Phúc có đủ điều kiện trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất do nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng cùng kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng đang tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh giúp tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hoá thuận lợi.