Cơ sở hạ tầng và hậu cần hiện đại
Giao thông: Hệ thống giao thông thuận tiện gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông và đường hàng không. Hệ thống xe bus liên tỉnh và nội tỉnh kết nối các xã, phường, thị trấn và các khu công nghiệp. Vĩnh Phúc có đường cao tốc Nội Bài – Lao Cai, quốc lộ 2 nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tiếp nối với quốc lộ 5 tới cảng Hải Phòng và đường 18 tới cảng Cái Lân.
Logistics: Vĩnh Phúc có Trung tâm Logistics ICD là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, là điểm trung chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất nhập khẩu khu vực phía Bắc và trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Điện: Lưới điện tỉnh Vĩnh Phúc được cấp điện chủ yếu từ nguồn lưới điện truyền tải Quốc gia khu vực miền Bắc. Hệ thống lưới điện gồm lưới điện cao áp 220 KV và 110 KV, lưới trung áp, lưới hạ áp được đầu tư đồng bộ.
Cấp nước: Tổng công suất cấp nước tại các đô thị là 134.500m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước đô thị cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân. Các Khu công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp nước đến chân hàng rào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất.
Viễn thông: Hệ thống viễn thông 5G, 4G, 3G, cáp quang phủ sóng toàn tỉnh. Hạ tầng chính quyền điện tử đồng bộ, thống nhất, liên thông toàn quốc.
Các khu/cụm công nghiệp: Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.487 ha và 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 646 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch đến năm 2050 có 27 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 7.000 ha.