Huyện Sông Lô

Huyện Sông Lô

Huyện Sông Lô là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích 15.067 ha, dân số 110.776 người (năm 2022), cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 25 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km và cách sân bay quốc tế nội bài khoảng 55km. Sông Lô có nhiều cơ hội giao thương kinh tế với các khu vực lân cận, đặc biệt với thành phố Vĩnh Yên và với thủ đô Hà Nội. Sông Lô, nằm giữa hai đô thị lớn là thành phố Vĩnh Yên và thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ, có thể kết nối với các vùng lân cận bằng đường bộ và đường thủy. Kết nối với thành phố Vĩnh Yên bằng đường tỉnh hoặc đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, kết nối với thành phố Việt Trì bằng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoặc cầu Vĩnh Phú. Kết nối với các huyện khác của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang bằng các tuyến đường tỉnh.

Tiềm năng phát triển:

Phát triển du lịch: Là một huyện giàu truyền thống, có bề dày lịch sử và văn hóa. Tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc như hệ thống các di tích lịch sử, các đình, chùa, làng nghề, lễ hội…, tiêu biểu là di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn và Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu. Có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đặc thù (núi, thác, sông, hồ…), nổi bật là khu núi Sáng – hồ Bò Lạc. Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa bàn huyện đến nay có lưu lượng phương tiện giao thông tham gia lớn, tuyến đường có điểm xuống cho hai huyện Sông Lô, Lập Thạch tại núi giao Văn Quán – IC6; Đường Vành đai 5 kết nối các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc như Đại Lại – Tam Đảo – Tây Thiên – Thiền Viện Trúc lâm Tuệ Đức – Tam Sơn đang dần hoàn thiện. Kết hợp với một số cây cầu bắc qua sông Lô chuẩn bị được xây dựng giúp Sông Lô kết nối thuận lợi với các huyện của Phú Thọ, đặc biệt là thành phố Việt Trì.

Phát triển công nghiệp: Hai khu công nghiệp Sông Lô I và Sông Lô II đang dần đi vào hoạt động, cùng với đó là lực lượng lao động sẽ tăng đáng kể do dân số bước vào tuổi lao động ngày càng nhiều, chất lượng lao động ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động qua đào tạo tăng lên. Đây là cơ hội và tiềm năng để Sông Lô thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.