Huyện Yên Lạc

Huyện Yên Lạc

Yên Lạc là huyện đồng bằng, phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Diện tích tự nhiên là 107,7 km2, chiếm 7,8% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc. Yên Lạc có 17 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn và 16 xã.

Yên Lạc tiếp giáp với các thị xã và huyện có tốc độ tăng trưởng nhanh, là động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc (Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, Bình Xuyên), đặc biệt liền kề thành phố Hà Nội. Vị trí địa lý này tạo cho Yên Lạc lợi thế phát triển những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh nhằm thu hút khách từ thị trường tiêu dùng Hà Nội rộng lớn.

Định hướng phát triển các ngành quan trọng

(1) Công nghiệp chế biến, chế tạo

* Ngành luyện kim và cơ khí: sản xuất phụ tùng, linh kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí giao thông, cơ khí xây dựng, cơ khí chế tạo thiết bị, chế biến nông- thủy sản.

* Ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản: chế biến thực phẩm (ép dầu thực vật, rau, quả đóng hộp, chế biến nấm), sơ chế sản phẩm chăn nuôi (lò mổ gia cầm, gia súc sạch ); chế biến thức ăn gia súc, thức ăn cho thủy sản.

(2) Xây dựng

Huy động và kêu gọi nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Dragon-City, Đầm Khanh, Tam Hồng; dự án phát triển đô thị tại xã Đồng Văn, Tề Lỗ; dự án phát triển đô thị tại thị trấn Yên Lạc, Trung Nguyên và Bình Định; phát triển các khu dân cư mới.

(3) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

* Trồng trọt:

Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực; Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn theo hướng hàng hóa nhằm tăng thu nhập người dân

Để phát triển sản xuất lúa, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, củng cố hệ thống thủy lợi, áp dụng triệt để các biện pháp cơ giới hóa trong canh tác, sử dụng các giống lúa có năng suất cao, kháng bệnh tốt; phát triển hình thức liên kết sản xuất.

* Chăn nuôi:

Phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô theo hướng liên kết sản xuất, đảm bảo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; từng bước giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ để kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường hướng đến chăn nuôi bền vững. Khuyến khích, đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Thực hiện phòng ngừa, giám sát và kiểm soát tốt môi trường và dịch, bệnh trong chăn nuôi. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung ngoài khu dân cư

(4) Bán buôn, bán lẻ và sửa chữa phương tiện

Tăng cường xúc tiến hoạt động đầu tư, nâng cấp chợ, trung tâm thương mại – dịch vụ các xã đã được quy hoạch gắn với hình thành trung tâm thương mại thị trấn và vệ tinh đô thị. Kêu gọi xúc tiến đầu tư các khu dịch vụ, du lịch gắn với tâm linh các di tích văn hóa, lịch sử như Đền Bắc Cung, chùa Biện Sơn, dự án khảo cổ học Đồng Đậu… tạo động lực đột phá phát triển du lịch của huyện.