Huyện Vĩnh Tường

Huyện Vĩnh Tường

Vĩnh Tường là huyện đồng bằng nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, nằm phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Phúc, cách TP Vĩnh Yên gần 10 km dọc theo QL2A, QL2C và tỉnh lộ 304, gồm 03 thị trấn và 26 xã. Vĩnh Tường có tổng diện tích đất tự nhiên 14,400.73 ha, dân số số trung bình 208.926 người (năm 2020).

Vị trí địa lý của Vĩnh Tường nhìn chung rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Vĩnh Tường tiếp giáp với thành phố công nghiệp Việt Trì, thị xã Sơn Tây, cận kề với thành phố tỉnh lị Vĩnh Yên…Huyện có 9 km đường Quốc lộ 2A và 14 km đường Quốc lộ 2C chạy qua; đồng thời có hai ga hàng hoá đường sắt tuyến Hà Nội – Lào Cai (Bạch Hạc và Hướng Lại); về đường sông có hai cảng trên sông Hồng tại xã Vĩnh Thịnh và xã Cao Đại, có hai khu công nghiệp Chấn Hưng, Đồng Sóc và cụm kinh tế – xã hội Tân Tiến đang được triển khai; có Đầm Rưng rộng khoảng 80 ha là trung tâm du lịch đầy tiềm năng trong tương lai…Những yếu tố đó mang lại cho Vĩnh Tường một vị trí khá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để nhân dân Vĩnh Tường tiếp cận, giao lưu, trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với các vùng lân cận.

Tiềm năng phát triển:

Tiềm năng về phát triển nông nghiệp: Huyện Vĩnh Tường là huyện có lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp so với các huyện còn lại trong tỉnh, với đặc điểm đất đai màu mỡ, hệ thống sông ngòi, hệ thống thủy lợi đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng giá trị gia tăng, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định chính trị, xã hội huyện. Đã hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch như: Vùng rau, vùng bí đỏ, vùng cà chua ghép, vùng bưởi, vùng chăn nuôi bò sữa…; đã xuất hiện một số mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị như: Chăn nuôi bò sữa, sản xuất lúa giống, sản xuất gạo… Về thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngoài cung cấp cho người dân địa phương trong huyện, trong tỉnh, với lợi thế về giao thông thuận tiện sản phẩm nông nghiệp của huyện đã cung cấp cho các thị trường lân cận như Hà Nội, Phú Thọ …

Tiềm năng về phát triển công nghiệp: Với vị trí địa lý gần thủ đô, gần các khu công nghiệp đã lấp đầy, giao thông thuận lợi, nhân lực dồi dào, hạ tầng cơ sở được đầu tư cơ bản đồng bộ, huyện Vĩnh Tường có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp. Mặt khác, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện mở rộng quy hoạch, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.