Hạ tầng cấp, thoát nước
Hạ tầng cấp nước:
Hiện nay có 16 nhà máy cấp nước tập trung cấp cho khu vực đô thị, các khu vực lân cận đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn 9 huyện, thành thị.
Tổng công suất cấp nước thiết kế tại những khu vực này là 137.000m3/ngđ, công suất khai thác khoảng 89.455 m3/ngày đêm, đạt 64,05% công suất thiết kế. Tỷ lệ người dân thành thị sử dụng nước sạch: 74,0%, tính riêng cho thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên đạt trên 93,3%. Tính theo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước (địa bàn đã được đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước dịch vụ, đảm bảo khả năng sẵn sàng lắp đặt đồng hồ nước, cấp nước cho hộ dân khi có nhu cầu), thì đạt tỷ lệ trên 82% (Số liệu cập nhật đến tháng 7-2022).
Trên địa bàn tỉnh đã có 10 khu công nghiệp đã có doanh nghiệp thứ cấp hoạt động, với tổng số 331 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp và đều được cấp nước đến chân hàng rào, đạt tỷ lệ 100%, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất, tổng công suất hiện đang sử dụng khoảng 27.167m3/ngđ (số liệu được cập nhật đến tháng 6 năm 2022). Đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp sử dụng nước sạch: 136/557(cơ sở), đạt 24,44%.
Tính đến tháng 4 năm 2022 tổng công suất cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 27.600 m3/ngđ, công suất khai thác khoảng 19.000m3/ngđ, đạt 69% công suất thiết kế; mức cấp nước toàn tỉnh bình quân đạt 60 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch là 24%. Trên địa bàn tỉnh có 44 công trình nước sạch nông thôn, trong đó có 05 công trình liên xã, còn lại 39 công trình quy mô xã, thôn. Về công tác quản lý, 10 công trình do đơn vị sự nghiệp quản lý (do Trung tâm Nước sạch & VSMT nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý); doanh nghiệp, UBND các xã quản lý 33 công trình; 02 công trình chưa bàn giao đưa vào sử dụng.
Dự báo đến năm 2030 nhu cầu dùng nước của toàn tỉnh Vĩnh Phúc là 844.895m3/ngày đêm. Trong khi hiện trạng tính đến hết tháng 6 năm 2022 tổng công suất thiết kế của các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh tại khu vực đô thị, các khu vực lân cận đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 137.000m3/ngày đêm, khu vực nông thông là 99.120m3/ngày đêm. Như vậy, so với hiện tại, đến năm 2030 nhu cầu dùng nước trên toàn tỉnh lớn hơn rất nhiều so với công suất thiết kế của các nhà máy cấp nước hiện trạng. Vì vậy tỉnh ưu tiên xây dựng mở rộng, nâng công suất các nhà máy cấp nước hiện có, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước mới để đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Hạ tầng tiêu, thoát nước:
Hệ thống tiêu thoát nước mưa tỉnh Vĩnh Phúc tiêu ra 4 hệ thống sông chính gồm: sông Hồng, sông Lô, sông phó Đáy, sông Cà Lồ.
Lưu vực thoát nước mưa: Toàn tỉnh Vĩnh Phúc được phân thành 3 vùng tiêu lớn: Vùng tiêu sông Phan- sông Cà Lồ, vùng tiêu sông Lô- Phó Đáy, Vùng tiêu bãi Vĩnh Tường- Yên Lạc.
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành một hệ thống công trình tiêu với gần 300 km kênh tiêu trục chính, (Bao gồm các trục tiêu sông ngòi thiên nhiên như Sông Phan, các ngòi tiêu Cầu Ngạc, Cầu Mai, Cầu Đọ, Cầu Triệu; các kênh tiêu Bến Tre, Nam Yên Lạc, ..) và gần 400km kênh trục tiêu nhánh. Có 39 cống tiêu lớn (hầu hết là các cống qua đê) và hàng trăm cống tiêu trong các vùng và hàng trục trạm bơm tiệu cục bộ tiêu cho toàn bộ diện tích đất đai của tỉnh. Tuy nhiên, do công trình đã xây dựng từ lâu, không đồng bộ mức thiết kế đảm bảo tiêu thấp. Hơn nữa, công tác tu bổ nạo vét nâng cấp chưa được quan tâm thường xuyên nên tình hình lũ úng vẫn xảy ra và gây thiệt hại cho sản xuất.
Hiện nay, hầu hết các đô thị chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; các khu dân cư hiện hữu hệ thống thoát nước thải được đi chung vào hệ thống thoát nước mưa, một số khu đô thị mới được đầu tư hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải riêng biệt.
Riêng thành phố Vĩnh Yên đã có nhà máy xử lý nước thải trung tâm thành phố Vĩnh Yên công suất 5.000 m3/ngđ, đặt trên địa phận xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, dọc theo tuyến đường Quốc lộ 2. Ngoài nhà máy xử lý nước thải trung tâm thành phố Vĩnh Yên đang hoạt động tỉnh đang triển khai dự án xử lý nước thải thành phố Vĩnh yên giai đoạn 2 (của ban ODA) thuốc dự án Chương trình Phát triển các đo thị loại II ( các đô thị xanh): xây dựng nhà máy xử lý nước thải phía Tây thành phố Vĩnh Yên đặt tại phường Hội Hợp, công suất 6.000 m3/ngđ thu gom và xử lý nước thải cho 3 phường thuộc thành phố Vĩnh Yên là phường Đồng Tâm, phường Hội Hợp, phường Tích Sơn và xã Định Trung.
Hầu hết các bệnh viện công lập của tỉnh Vĩnh Phúc đã có hệ thống xử lý nước thải, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung.
Tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi, huy động nguồn lực trong nước, quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.