Giáo dục đào tạo

Giáo dục đào tạo

Giáo dục mầm non: Tính đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 177 trường mầm non, trong đó có 163 trường công lập, 14 trường tư thục. Tổng số lớp trong trường mầm non công lập có 3.300 nhóm, lớp với 695 lớp nhà trẻ; 2605 lớp mẫu giáo; có 221 cơ sở mầm non độc lập tư thục với 829 nhóm, lớp. Tổng số trẻ ở độ tuổi mầm non ra lớp là 83.833 cháu, trẻ mẫu giáo có 69.589 cháu; Số trẻ trong các cơ sở mầm non tư thục có 14.999 trẻ. Toàn tỉnh hiện có 43 trường mầm non dành cho trẻ dân tộc thiểu số với 567 nhóm, lớp; số trẻ ra lớp là 4.535 cháu. Tỉ lệ trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số ra lớp đạt 98,4%, trẻ nhà trẻ đạt 36,2%. Số trẻ khuyết tật đi học hòa nhập độ tuổi mầm non là 92/94 trẻ chiếm 97,9% tổng số trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học (chiếm 0,1%/ tổng số trẻ mầm non).

Giáo dục phổ thông: Quy mô mạng lưới trường lớp giáo dục phổ thông được duy trì ổn định dáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh.

– Cấp tiểu học: Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 145 trường tiểu học, 100% các trường là công lập. Tất cả các xã/phường đều có trường tiểu học, tỷ lệ 1,05 trường/xã Tổng số có 3.682 lớp học và 125.593 học sinh, sĩ số trung bình 34,1 học sinh/lớp. Công tác tuyển sinh ở đầu cấp học được triển khai tốt, huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Tỉ lệ HS đi học đúng tuổi cấp tiểu học của Vĩnh Phúc đạt 99,52%. Tỷ lệ huy động học sinh khuyết tật đến trường học hòa nhập đạt 98%.

Cấp trung học cơ sở: Có 148 trường (trong đó có 132 trường trung học cơ sở, 16 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở), 100% các trường là công lập. Tỷ lệ 1,08 trường/xã. Tổng số có 2.032 lớp học và 79.033 học sinh, sĩ số trung bình 39,0 học sinh/lớp. Tỉ lệ HS THCS của Vĩnh Phúc đi học đúng tuổi đạt 96,45%. Các trường trung học cơ sở phát triển, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh trong độ tuổi đi học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng (HS hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 THCS đạt 100%)

– Cấp trung học phổ thông: toàn tỉnh có 30 trường trung học phổ thông, trong đó 29 trường công lập, 01 trường tư thục; toàn cấp có 819 lớp học, trong đó 813 lớp công lập, 06 lớp tư thục. Tổng số học sinh có 32.220 học sinh (trong đó có 32.018 học sinh công lập, 182 học sinh tư thục). Sĩ số trung bình 39,4 học sinh/lớp; Tỷ lệ 3,33 trường/huyện, thành phố. Tỉ lệ HS đi học đúng tuổi đạt 98,7%. HS phổ thông trong tỉnh từ 6 đến 18 tuổi đi học đạt tỉ lệ 97,1%.

Theo Thống kê trung bình mỗi năm ước tính các cấp học phổ thông đã tiếp nhận hơn 1,800 lượt trẻ học hòa nhập (trong đó trẻ khuyết tật ở bậc tiểu học chiếm 66,9%; cấp trung học cơ sở chiếm 23,7% và thấp nhất là học sinh khuyết tật học hòa nhập ở cấp Trung học phổ thông chiếm 1,9%); phần lớn là những trẻ khuyết tật nhẹ, được hòa nhập tại các địa phương do các nhà trường tiếp nhận học sinh khuyết tật. Hầu hết các trẻ này là có khuyết tật nặng, việc học hòa nhập gặp rất nhiều khó khăn và chất lượng thường thấp, đặc biệt những trẻ hạn chế về kĩ năng tự phục vụ và có những vấn đề về hành vi. Hiện Vĩnh Phúc chưa có Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh; chưa có hệ thống phòng hỗ trợ trong các trường phổ thông có học sinh học hòa nhập.

Giáo dục thường xuyên: Toàn tỉnh có 8 trung tâm (01 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện). Trung tâm học tập cộng đồng có 136 cơ sở. Trung tâm ngoại ngữ, tin học có 80 cơ sở; 15 cơ sở hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, 17 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được cấp phép hoạt động. Ngoài ra còn có 6 trường cao đẳng dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Ngành Giáo dục của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn phân luồng sau trung học cơ sở nên số lượng học viên tại trung tâm giáo dục thường xuyên tăng đáng kể. Năm học 2020-2021 có 260 lớp (tăng 197 lớp so với năm 2010) với 9.895 học viên (tăng 5.305 học viên).

Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: Tính đến 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh có 07 trường cao đẳng (03 trường thuộc tỉnh, 04 trường thuộc các Bộ, ngành Trung ương); 03 trường trung cấp (tư thục); 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (10 trung tâm công lập, 09 trung tâm tư thục và 01 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài) và 06 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (02 trường đại học, 02 cơ sở 2 của trường cao đẳng có trụ sở chính tại tỉnh khác, 01 doanh nghiệp và cơ sở công lập có dạy nghề). Về loại hình sở hữu, trong số 28 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh quản lý có 13 cơ sở tư thục, 01 cơ sở vốn đầu tư nước ngoài và 14 cơ sở công lập.

Về quy mô mạng lưới các trường đại học trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2015-2021, không có sự thay đổi và đều là những cơ sở giáo dục đại học thuộc quản lý của cấp trung ương, tỉnh không có trường đại học địa phương nào. Vĩnh Phúc hiện có 03 trường đại học (Trường Đại học Sư phạm 2, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Trường Đại học Trưng Vương) và 02 cơ sở của hai trường Đại học tại Hà Nội (Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Kiến trúc Hà Nội). Các trường đại học và cơ sở của các trường đại học này được phân bố trên địa bàn 04 huyện/thành phố là Vĩnh Yên (01), Phúc Yên (02 trường), Tam Dương (01), Tam Đảo (01 trường). Trong đó, 04 cơ sở đào tạo bậc đại học trên địa bàn tỉnh là công lập và chỉ có 01 trường tư thục. Các cơ sở giáo dục đại học này cũng đã góp phần đào tạo phần nào nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Vĩnh Phúc nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.