Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
Là một trong số các tỉnh nằm trong top 10 địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam, theo đánh giá của VCCI năm 2020, để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Hệ thống giao thông
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, phân bố khá hợp lý, mật độ đường giao thông cao. Mạng lưới giao thông đối nội (hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, giao thông nông thôn) kết nối với mạng lưới giao thông đối ngoại (hệ thống đường liên tỉnh, đường quốc gia) đã, đang được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các địa bàn trong tỉnh và với địa phương khác.
Mạng lưới giao thông đường bộ
Hệ thống giao thông đối ngoại:
Mạng lưới giao thông đối ngoại chính của tỉnh bao gồm 1 tuyến cao tốc (Hà Nội – Lào Cai), 4 tuyến quốc lộ (QL2, 2B, 2C, tuyến tránh TP. Vĩnh Yên). Đây là những tuyến đường có tầm quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng có nhiệm vụ kết nối Vĩnh Phúc với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc, cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Ngoài ra, các tuyến đường này còn góp phần kết nối các trung tâm kinh tế – xã hội lớn của tỉnh.
Hệ thống giao thông đối nội:
Hệ thống đường vành đai: Hệ thống đường vành đai chủ yếu để nối liền các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các cụm du lịch và dịch vụ của tỉnh. Tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn kết nối và phục vụ đắc lực cho hệ thống giao thông đối ngoại. Tỉnh Vĩnh Phúc có 03 hệ thống đường vành đai 1, 2 và bán vành đai 3. Trên cơ sở định hướng của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc, mạng lưới giao thông của tỉnh hình thành 5 đường vành đai, trong đó vành đai 1, 2, 3 nằm trong đô thị Vĩnh Phúc nhằm tránh lưu lượng giao thông quá lớn vào trung tâm đô thị, giúp giao thông trong khu vực thông suốt, giải toả, điều phối các luồng xe quá cảnh qua khu vực Vĩnh Yên cũng như giao thông bên trong đô thị ra bên ngoài. Vành đai 4, 5 vừa có tính chất đối nội và đối ngoại, đóng vai trò kết nối các trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch chính của tỉnh.
Hệ thống đường tỉnh và các tuyến đồng cấp tương đương: Đường tỉnh có 18 tuyến và 5 tuyến mở mới đồng cấp tương đương với tổng chiều dài 348,7km đã được cải tạo, nâng cấp cứng hóa đạt 100% bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng.
Mạng lưới giao thông đường sắt
Vĩnh Phúc có 1 tuyến đường sắt cấp Quốc gia đi qua dài khoảng 35km là tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, kết nối thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc. Mật độ đường sắt của tỉnh là 0,028km/km2, tỷ lệ chiều dài đường sắt so với đường bộ là 0,006. Đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đi qua 05 đơn vị hành chính bao gồm: Thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Thành phố Vĩnh Yên, các huyện Tam Dương và Vĩnh Tường.
Đây là tuyến đường sắt đối ngoại quan trọng, nối thủ đô Hà Nội qua Vĩnh Phúc tới các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc. Toàn tuyến Hà Nội – Lào Cai dài 296km, khổ 1.000 mm.
Mạng lưới giao thông đường thủy nội địa
Vĩnh Phúc có hệ thống sông kênh phong phú, tổng chiều dài các tuyến sông trên địa bàn tỉnh dài 123km. Bao gồm 4 sông chính là: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, và sông Cà Lồ. Tuy nhiên trong đó chỉ có sông Hồng và sông Lô là 2 tuyến sông chính phục vụ vận tải, sông Cà Lồ và sông Phó Đáy chỉ thông thuyền được trong mùa mưa và cũng chỉ đáp ứng được phương tiện tải trọng dưới 50 tấn. Còn lại các sông, kênh khác chỉ phục vụ mục đích nông nghiệp.
Có 2 tuyến vận tải thủy nội địa quốc gia do trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là tuyến Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai (qua sông Hồng) và tuyến Việt Trì – Tuyên Quang – Na Hang (đi qua sông Lô) và có 49 cảng, bến thủy nội địa, phân bố trên sông Hồng và sông Lô. Trong đó, cảng hàng hóa có 3 cảng, bến hàng hóa 39 bến, 2 bến phà và 5 bến khách ngang sông.
Công trình cầu lớn và nút giao
Công trình cầu: Hiện có 126 cầu, trong đó có 03 cầu lớn vượt sông Hồng và sông Lô là cầu Hạc Trì, cầu Việt Trì, cầu Vĩnh Thịnh; cầu vượt đường sắt hiện có 3 cầu (2 cầu trên QL 2 và 1 cầu trên QL 2C).
Nút giao cao tốc: Hiện có 3 nút giao liên thông với cao tốc Nội Bài – Lào Cai bao gồm: Nút giao IC3 giao với ĐT 310B tại Km14+020 (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên); Nút giao IC4 giao với QL2B tại Km24+950 (xã Kim Long huyện Tam Dương); Nút giao IC6 giao với ĐT 305C tại Km40+860 (xã Văn Quán, huyện Lập Thạch). Ngoài ra còn 2 nút giao chưa được đầu tư xây dựng là nút giao IC2 giao đường Nguyễn Tất Thành (TP Phúc Yên) tại Km7+850 và nút giao IC5 với QL 2C tại Km31+440 (xã Đạo Tú huyện Tam Dương).
Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin
Hạ tầng cáp quang được triển khai đến 136 xã, phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, thương mại trên địa bàn tỉnh.
Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan nhà nước đã xây dựng trục cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối, kết nối tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh;
Các dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông được cung cấp bởi các nhà cung cấp là các Tập đoàn lớn đóng trên địa bàn tỉnh (VNPT, Viettel, FPT, …), đáp ứng tất cả các nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống điện
Hệ thống lưới điện từ cao áp đến lưới trung áp, lưới hạ áp được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh đã đầu tư 02 trạm biến áp 220 KV; 8 trạm biến áp 110 KV; hệ thống truyền tải, phân phối gồm 2.011 trạm biến áp phân phối với tổng công suất đạt hơn 1 triệu kVA; lưới điện trung thế gồm đường dây 110kv với 43 xuất tuyến có tổng chiều dài 433,3km; đường dây 22kV với 35 xuất tuyến có tổng chiều dài 805,4km; đường dây 10kV có 6 xuất tuyến có tổng chiều dài 194,8km. Lưới điện quốc gia đã được phủ kín trên toàn tỉnh, 100% số xã trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng hệ thống điện được đầu tư đồng bộ đến tận hàng rào các khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng cung cấp điện cho doanh nghiệp.
Hệ thống cấp, thát nước
Các công trình cấp nước được đầu tư đảm bảo nhu cầu nước sạch cho tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn. Hệ thống cấp nước đô thị đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh của các hộ tiêu thu trên địa bàn tỉnh. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp nước đến chân hàng rào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất. Tổng công suất thiết kế cấp nước tại các đô thị là 115 nghìn m3/ngày đêm.
Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giảm ngập úng vào mùa mưa và cải thiện môi trường sinh thái. Nhiều tuyến kênh tiêu đã được đầu tư nạo vét; đã triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên; dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực nông thôn, chủ động phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đủ năng lực, chủ động được nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và các nhu cầu dân sinh khác. Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.500 km kênh tưới các loại. Trên 300 công trình đầu mối hồ đập, trạm bơm được đầu tư cải tạo, nâng cấp (100 công trình được xây dựng, nâng cấp sửa chữa theo tiêu chuẩn thiết kế mới, sử dụng đa mục tiêu), nâng dung tích dự trữ nguồn nước của hồ chứa cả tỉnh lên mức 95 triệu m3; các hồ chứa đảm bảo an toàn, đủ điều kiện tích nước và chống lũ.
Các khu công nghiệp
Tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch 19 khu công nghiệp với diện tích hơn 5.000 ha. Hiện có 14 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 08 khu đã đi vào hoạt động và 1 khu đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.838,75 ha (trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 1.353,72 ha); tổng diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng 1.007,23 ha, diện tích đất đã cho thuê 865,88 ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp quy hoạch đạt 64,18% và tỷ lệ lấp đầy theo diện tích đất công nghiệp đã bồi thường và xây dựng hạ tầng đạt 85,97%. Các khu công nghiệp của tỉnh được bố trí tập trung gần các đô thị lớn, gần thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào ngày càng được hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Một số khu đã được chủ động xây dựng, tạo ra quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng hợp lý, tạo lợi thế cạnh tranh với các tỉnh thành lân cận như: Khu công nghiệp Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc.
Các cụm công nghiệp
Tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch 32 cụm công nghiệp với diện tích trên 600 ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cụm công nghiệp đã được hình thành và thành lập với tổng diện tích 376,4 ha, trong đó 13 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng (11 cụm đã thu hút đầu tư), 05 cụm công nghiệp được coi là hình thành. Nhìn chung, các cụm công nghiệp được giải phóng mặt bằng cơ bản đã triển khai đầu tư hạ tầng và cho thuê đất. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất. Việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã giải quyết một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; đưa dần các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư, trong các làng nghề vào khu vực sản xuất tập trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Đô thị hóa
Tỉnh Vĩnh Phúc có 32 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại II (Thành phố Vĩnh Yên), 01 đô thị loại III (Thành phố phúc Yên), 30 đô thị loại V (gồm 16 thị trấn và 14 đô thị khu vực xã), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%. Chính quyền đô thị: Cấp huyện có 02 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên; cấp xã có 15 phường và 16 thị trấn.
Chất lượng đô thị đã tăng trưởng đáng kể với sự đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các đô thị phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, du lịch… là động lực quan trọng, giữ vai trò là cực tăng trưởng phát triển kinh tế – xã hội của vùng, của tỉnh và của từng khu vực; Các dự án đầu tư xây dựng đô thị tăng nhanh cả về số lượng dự án cũng như phân bổ lan tỏa ở nhiều địa phương, góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa, tăng nhu cầu lao động, việc làm, giải quyết lao động dôi dư từ khu vực nông thôn.