Chủ Nhật, 17/10/2021 13:12:03 (GMT+7)

Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đồng hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm: “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, chính quyền tỉnh luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, vì vậy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao.

Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đồng hành cùng doanh nghiệp

Tính đến hết tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh có 415 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký (VĐTĐK) trên 6,2 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào tỉnh, đứng đầu là Hàn Quốc với 212 dự án có VĐTĐK là 2.363,82 triệu USD, chiếm 38,58% tổng VĐTĐK toàn tỉnh; Nhật Bản đứng thứ hai với 54 dự án có VĐTĐK là 1.361,104 triệu USD, chiếm 22,22% tổng VĐTĐK toàn tỉnh; tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 39 dự án có VĐTĐK là 989,46 triệu USD, chiếm 16,15% tổng VĐTĐK toàn tỉnh; còn lại lần lượt là các dự án từ các nhà đầu tư Singapore, Thái Lan, Italia, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Samoa, Seychelles, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Indonesia, Thụy Điển, Nga, Hoa Kỳ, British Virgin Islands, Belize.

Đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 145 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8.730 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương 70,0% doanh nghiệp đăng ký).

Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư và quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2021; Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 8/3/2021 thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối CNHT; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT…

Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức các hoạt động: Kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc với các doanh nghiệp FDI nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu; Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các kênh như Chương trình Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, Hệ thống đối thoại doanh nghiệp – chính quyền trên môi trường mạng; Các hội nghị, tọa đàm, đối thoại doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực.

Đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh, chính quyền tỉnh đã kịp thời có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân sống và làm việc tại tỉnh; Hỗ trợ và tạo điều kiện để các chuyên gia nước ngoài của các doanh nghiệp nhập cảnh vào tỉnh; Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các doanh nghiệp khác tiếp cận vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, ưu đãi thuế, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, … để tiếp tục kinh doanh và duy trì, phục hồi sản xuất; Tháo gỡ các khó khăn về lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp; Giảm giá điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp.

Chính bởi sự đồng hành của chính quyền tỉnh cùng với sự ủng hộ, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội./.