Các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh năng động, có những hướng đi mang tính đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, có nguồn lao động dồi dào với tỷ lệ lao động qua đào tạo ở mức cao, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vĩnh Phúc được xem là một trong những điểm sáng ở khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số dự án trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 1.227 dự án, trong đó có 416 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD và 811 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 100,9 nghìn tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; Vĩnh Phúc không chỉ là môi trường kinh doanh tốt mà còn là môi trường sống tốt.
Mục tiêu đó đòi hỏi phải khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút trực tiếp vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào tỉnh. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ về Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế xuất nhập khẩu; Ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Ưu đãi về đất đai; Dự án trong lĩnh vực xã hội hóa; Dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là: Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và 07 Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể hoá các mức hỗ trợ và đối tượng, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc gồm:
Quyết định số 53/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 về việc ban hành quy định thực hiện hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh;
Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 V/v thực hiện hỗ trợ chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đối với các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư;
Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 về thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao;
Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 03/10/2017 về thực hiện hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong các Khu công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách;
Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 28/08/2017 về thực hiện hỗ trợ chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh;
Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 28/07/2017 về thực hiện hỗ trợ chi phí lập hồ sơ, thủ tục giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư như:
Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021;
Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2021;
Nghị quyết số 159/2014/NQ-HĐND ngày 22/12/2014 của HĐDN tỉnh về việc hỗ trợ dự án nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2020;
Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020;
Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khu Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các Khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021;
Nghị quyết số 42/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 về việc sửa đổi, bổ sung điều 1, Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND dân tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020;
Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019-2021;
Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025.
Để phát triển bền vững, trong thời gian tới Vĩnh Phúc tập trung thu hút và khuyến khích các dự án công nghệ, chất lượng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội lớn:
Về công nghiệp, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế biến thực phẩm và các dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực trên.
Về nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Về du lịch, dịch vụ, ưu tiên các dự án y tế, giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao, các dự án du lịch, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Về hạ tầng, ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt./.