Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc
Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, thuận tiện triển khai sản xuất kinh doanh. Cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng mang tính đột phá, Vĩnh Phúc đã trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Với 14 Hiệp định FTAs đã có hiệu lực và Hiệp định RCEP sắp có hiệu lực, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư chiến lược trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư PPP được thông qua theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thời gian tới, Việt Nam tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, thuận tiện triển khai sản xuất kinh doanh. Cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng mang tính đột phá, Vĩnh Phúc đã trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1997). Đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài đóng góp ngày càng lớn vào nguồn vốn đầu tư xã hội và là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng thu ngân sách của tỉnh. Với phương châm “Vĩnh Phúc là nơi kết nối những thành công”, Vĩnh Phúc mong muốn thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, để đạt kết quả tương xứng với tiềm năng thế mạnh và mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.
Các thành phần kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài nhà nước ngày càng tăng, giữ vai trò đầu tàu, chủ đạo trong nền kinh tế. Năm 2020, tỷ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 33%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 31% và kinh tế nhà nước chiếm 11% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể, trong đó đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong các Khu công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; hỗ trợ chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ chi phí lập hồ sơ, thủ tục giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh,…
Công tác cải cách hành chính được quan tâm, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh đã sớm xây dựng và đưa vào sử dụng Bộ phận một cửa liên thông, hiện đại tại 100% sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã đi vào hoạt động thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của 16 sở, ban, ngành, 02 cơ quan Trung ương, 01 doanh nghiệp nhà nước; Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện được triển khai tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thủ tục hành chính được các cơ quan, đơn vị thường xuyên được cập nhật, đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết và công bố tại Bộ phận một cửa, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính.
Hiện đại hóa nền hành chính được tăng cường. Đã có 166 cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa. Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai được Phần mềm ứng dụng Bộ phận một cửa đồng bộ ở cả ba cấp, bảo đảm liên thông theo “chiều ngang”, “chiều dọc” khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Vĩnh Phúc luôn nằm trong tốp 20 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR index), Chỉ số quản trị hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cao nhất cả nước.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tập trung rà soát loại bỏ những thủ tục, quy định đang làm phức tạp, khó
khăn, cản trở các nhà đầu tư; Xây dựng các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, huy động, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển cho nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông liên quan đến phát triển doanh nghiệp; cơ chế giám sát trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả
Quản trị và Hành chính cấp tỉnh (PAPI) hằng năm nằm trong nhóm 10 tỉnh,
thành phố dẫn đầu cả nước; Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và
Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông
(ICT) hằng năm thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chủ động tạo quỹ đất phát triển công nghiệp; lựa chọn các khu công nghiệp có lợi thế, vận dụng các cơ chế chính sách cho giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá, thu hút đầu tư. Sử dụng linh hoạt các nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp.
Khuyến khích phát triển đồng đều các thành phần kinh tế; thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, bảo vệ quyền tài sản, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không phân biệt đối xử, đảm bảo tính bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và cơ hội kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện qua
mạng 100% các thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, điều chỉnh giấy phép, tăng giảm vốn, các thủ tục, giấy tờ liên quan khác đến hoạt động
doanh nghiệp. Có cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng, giá thuê đất linh hoạt cho
doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, giảm chi phí gia nhập thị trường; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án chậm tiến độ đã cam kết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Hạn chế tối đa thu hút đầu tư các lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều đất đai. Thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Kịp thời giải quyết các vướng mắc, những kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư./.