Thứ Sáu, 07/10/2016 9:51:24 (GMT+7)

Chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10/2016

IPA Vinh Phuc tiếp tục cập nhật nhiều chính sách mới đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành của Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10/2016

  1. Hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC

Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ ngày 01/10/2016, theo đó:

– Thông tư này hướng dẫn việc lập hồ sơ mời thầu EPC đối với gói thầu của dự án thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013.

– Đối với các gói thầu EPC sử dụng vốn ODA, nếu được các nhà tài trợ chấp thuận thì vẫn được áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này.

– Quy định về nguyên tắc áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu và thuế, phí, lệ phí đối với gói thầu EPC.

Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT là sơ đồ chi tiết quy trình thực hiện và những mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC.

  1. Tăng mức bồi dưỡng thành viên trong phiên điều trần vụ việc cạnh tranh

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

Theo đó, tăng mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần so với quy định tại Quyết định 82/2010/QĐ-TTg, cụ thể:

– Chủ tọa phiên điều trần được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.

– Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Điều tra viên; người giám định, người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời, triệu tập được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.

– Người phiên dịch được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời đến phiên dịch tại phiên điều trần được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật.

– Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng được Hội đồng Cạnh tranh mời tham gia phiên điều trần được thanh toán chi phí đi lại.

Ngoài ra, đối với người tham gia tọa đàm, họp xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại đều được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định này.

Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

 

  1. Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Vừa qua, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ bao gồm:

– Đánh giá chung về các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, các loại hình chất thải đặc trưng và các vấn đề môi trường chính (nếu có) của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

– Tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường:

+ Cơ cấu tổ chức bộ máy và nguồn lực bảo vệ môi trường;

+ Ban hành văn bản chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 3 Điều 142 và trong các Điều, Khoản khác của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Định hướng công tác bảo vệ môi trường trong năm tới và đề xuất, kiến nghị.

Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

 

  1. Điều kiện áp dụng biểu thuế suất ưu đãi VN-EAEU FTA

Nghị định số 137/2016/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu và các nước thành viên (thuế suất VN-EAEU FTA) giai đoạn 2016 -2018. Theo đó:

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất VN-EAEU FTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành theo Nghị định này.

– Được nhập khẩu vào Việt Nam từ những nước sau:

+ Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Liên bang Nga.

+ Các nước thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á – Âu.

+ Việt Nam (áp dụng cho hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước).

– Được vận chuyển trực tiếp từ các nước xuất khẩu trên vào Việt Nam.

– Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu và các nước thành viên, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EAV.

Nghị định số 137/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.

 

  1. Nâng mức chi tiền ăn giữa ca, tạm ứng lương cho người lao động

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng của người lao động làm việc trong công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước. Theo đó:

Mức chi tiền cho bữa ăn giữa ca của người lao động được nâng lên tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng (Quy định cũ tối đa không vượt quá 680.000 đồng/người/tháng).

Mức tạm ứng tiền lương cũng được tăng lên tối đa không quá 85% quỹ tiền lương kế hoạch để chi trả hàng tháng cho người lao động nhưng phải căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty.

Đồng thời, Thông tư này cũng đưa ra tiêu chí xác định đơn giá tiền lương (tùy theo yêu cầu thực tế) theo một trong các yếu tố sau:

– Tổng doanh thu;

– Tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương;

– Lợi nhuận;

– Đơn vị sản phẩm;

– Chỉ tiêu hiệu quả sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với tính chất hoạt động để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2016 và các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2016.

Đặng Hằng – IPA Vinh Phuc (Cập nhật)