Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đô thị xanh Vĩnh Phúc
Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 trong thời gian dài; vướng mặt bằng; quy trình, thủ tục thực hiện Hiệp định vay vốn phải điều chỉnh; người dân ở một số địa phương cản trở thi công… là những nguyên nhân khiến việc triển khai Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – hợp phần Vĩnh Phúc (gọi tắt là Đô thị xanh Vĩnh Phúc) bị chậm tiến độ so với cam kết. Thực tế đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện sớm hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Dự án Đô thị xanh Vĩnh Phúc do Ban quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng); trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 73,3 triệu USD, còn lại là nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của tỉnh.
Hiệp định vay được ký từ ngày 29/6/2018 và có thời hạn 5 năm. Dự án được chia làm 7 hợp phần. Trong đó, hợp phần 7 – xây dựng Trung tâm kết nối công nghiệp hỗ trợ đã dừng triển khai để tích hợp chức năng của Trung tâm kết nối công nghiệp hỗ trợ vào dự án Trung tâm triển lãm và giới thiệu thành tựu KT – XH tỉnh.
Luỹ kế đến hết tháng 10/2023, dự án mới giải ngân được gần 600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27%; trong đó, vốn vay gần 390 tỷ đồng (đạt 24%), vốn đối ứng hơn 204 tỷ đồng (đạt 34%). Ngoài việc giải ngân vốn chậm, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đến nay, phần lớn các gói thầu đều bị chậm tiến độ.
Cụ thể, gói thầu VY-CW01 thuộc Hợp phần 1 (Nạo vét và bảo tồn cảnh quan Đầm Vạc) với tổng mức đầu tư gần 180 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng, nhưng do phải dừng thi công trong thời gian dài dẫn đến tiến độ thi công nhiều hạng mục bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Đến nay, với những nỗ lực của chính quyền các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT – GPMB), ngay sau khi có mặt bằng sạch, nhà thầu – Công ty Cổ phần xây dựng Minh Dũng khẩn trương thi công tuyến kè và đường dạo xung quanh hồ Đầm Vạc.
Kỹ sư Đinh Phương Thủy, Chỉ huy trưởng công trình (Công ty Cổ phần xây dựng Minh Dũng) cho biết: “Đơn vị phải dừng thi công công trình trong thời gian dài do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, thời tiết mưa nhiều khiến nước hồ dâng cao và không có mặt bằng để thi công. Bên cạnh đó, do một số hộ ở xã Thanh Trù sang nhận đất hồ ở phường Đồng Tâm đã được các hộ khai hoang và cản trở không cho thi công…
Đến nay, tại một số diện tích đã hoàn thành GPMB tranh thủ thời tiết nắng ráo, đơn vị đã tập trung toàn bộ máy móc, nhân lực, phấn đấu thi công xong hạng mục tuyến kè và đường dạo trong năm 2023 góp phần đẩy nhanh tiến độ của toàn bộ gói thầu theo đúng kế hoạch”.
Bên cạnh đó, do vướng các quy trình thủ tục đầu tư theo quy định, chưa được thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và khó khăn, vướng mắc trong công tác BT – GPMB nên các dự án trong Hợp phần 5 (Phát triển hệ thống cây xanh tại khu vực phía Nam Đầm Vạc), Dự án Hợp phần 6 (đường hạ tầng khung làng đại học) đều bị chậm tiến độ. Đặc biệt là tại Hợp phần 6 gặp nhiều vướng mắc về thỏa thuận đấu nối giao cắt đường tập tăng với Trường sĩ quan Tăng – Thiết giáp.
Theo đại diện VPMO, do nhiều nguyên nhân: Thủ tục ký Hiệp định vay, phê duyệt kế hoạch tổng thể, ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19… đến thời điểm này, dự án bị chậm tiến độ hơn 1 năm so với cam kết với nhà tài trợ và kế hoạch tổng thể được duyệt.
Để hoàn thành dự án với mục tiêu ban đầu đã được phê duyệt thì cần phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2027. Theo tiến độ đã thực hiện đến nay, trong trường hợp không được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đồng ý cho gia hạn Hiệp định vay thì sẽ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước và có thể có khiếu kiện từ phía người dân có đất đã bị thu hồi. Trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, tỉnh rất khó có thể cân đối được nguồn vốn thay thế nguồn vốn vay để đầu tư tiếp cho dự án.
Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời, hoàn thành các khối lượng công việc theo đúng thời gian đề xuất kéo dài thực hiện dự án, cùng với việc xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện từng công việc, hạng mục, tăng năng lực của ban quản lý dự án, VPMO đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB và ưu tiên bố trí vốn đối ứng để triển khai hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh