Tọa đàm với doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tại Vĩnh Phúc
Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm với doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước”; chiều ngày 28/12/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, tổ chức Tọa đàm với doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tại Khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh Resort (huyện Vĩnh Tường).
Dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Duy Thành – Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Vũ Hồng Nam – Chủ nhiệm và Ông Lê Quốc Thịnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị trong tỉnh cùng gần 150 doanh nhân, kiều bào từ 18 quốc gia tham dự.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc xuất phát điểm từ một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; với chủ trương phát triển công nghiệp làm nền tảng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Vĩnh Phúc đã có bước đi đột phá, định hướng đúng, tập trung cao độ việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung cả nước; thu ngân sách liên tục tăng cao và ngày càng ổn định, từ năm 2004, Vĩnh Phúc là một trong số ít các tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương; năm 2015 số thu ngân sách của tỉnh đạt gần 25.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc năm 2015: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 9,77%; Công nghiệp – xây dựng 62,12%; Các ngành dịch vụ 28,11%. Hiện nay, Vĩnh Phúc được biết đến là trung tâm phát triển công nghiệp ô tô, xe máy của cả nước. Tính đến nay toàn tỉnh có 601 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 44.023,61 tỷ VND; có 205 dự án FDI từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.252,31 triệu USD.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, có được kết quả trên là do tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ…Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm công tác “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, thông qua các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, kịp thời giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã đầu tư vào Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, là cơ quan xúc tiến đầu tư vào tỉnh đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khi bắt đầu tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi tọa đàm, Ông Lê Quốc Thịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở 59 quốc gia trên thế giới, với khoảng 4,5 triệu người. Những năm qua, bà con Việt kiều luôn chấp hành tốt luật pháp của các nước sở tại và tích cực sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Đồng thời thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết, ngoại giao giữa các nước với Việt Nam và mang công sức, trí tuệ, tiền của về nước đầu tư xây dựng các chương trình, dự án góp phần giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước”.
Đại diện doanh nhân kiều bào tại Liên bang Nga, CHLB Đức, Vương quốc Thái Lan, CHDCND Lào, Cộng hòa Hungary, Thịnh vượng chung Úc… bày tỏ trở về Việt Nam và đến Vĩnh Phúc lần này, cảm nhận rõ hơn sự phát triển của quê hương đất nước, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong không khí đầm ấm, cởi mở, các doanh nhân, kiều bào tại buổi tọa đàm đã có những phát biểu chân thành, cảm ơn sự tạo điều kiện, tiếp đón nồng hậu của tỉnh Vĩnh Phúc, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua và chia sẻ mong muốn được tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng trong thời gian tới.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc