Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
Hướng tới mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh – sạch – đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, tỉnh sẽ ưu tiên quản lý, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước kết nối hiệu quả với hạ tầng cấp nước của vùng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Hiện thực hóa mục tiêu 100% người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy nhanh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 19 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn chủ động giám sát chất lượng nước định kỳ hàng tháng tại nhiều công trình cấp nước và thực hiện kiểm tra, rà soát các tuyến ống để xử lý kịp thời, triệt để các tuyến ống bị rò rỉ nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước… Đối với hạ tầng cung cấp nước sạch vùng nông thôn, cấp tỉnh hiện đang quản lý vận hành 11 công trình cấp nước tập trung có công suất thiết kế từ 300 m3 – 8.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 26 xã, trị trấn trên địa bàn 4 huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch và Sông Lô. Nhờ đó, 100% hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tính đến hết năm 2023, 78% hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Về việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch cấp nước đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025; chỉ đạo Sở Xây dựng đề xuất phương án bảo đảm cung cấp nước cho các khu công nghiệp thành lập mới và mới được quyết định chủ trương đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị cấp nước đã chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới phục vụ và cải thiện chất lượng nước cấp; tăng cường phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nhờ đó, chất lượng nguồn nước cơ bản được bảo đảm; tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch liên tục giảm theo từng năm; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch tăng bình quân từ 2 – 3%/năm. Hiện, tổng công suất cấp nước thiết kế tại các đô thị là 134.500 m3/ngày đêm; công suất khai thác khoảng 83.085 m3/ngày đêm, đạt 61,8% công suất thiết kế. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước đô thị từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 79%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 15%. Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đều được cấp nước đến chân hàng rào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất.
Mặc dù quy hoạch về cấp nước đô thị đã được UBND tỉnh ban hành nhưng do nguồn lực có hạn nên việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung vẫn còn hạn chế so với nhu cầu đầu tư. Mặt khác, một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn nhiều hạn chế về công nghệ, quy trình xử lý nước sạch, năng lực tài chính, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao, tiến độ triển khai còn chậm. Nguồn nước sử dụng cấp cho khu vực đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên chủ yếu là nguồn nước ngầm, có hiện tượng thiếu hụt nguồn nước cấp trong mùa khô, gây áp lực đến việc cấp nước của các đơn vị cấp nước trên địa bàn. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, nhiều hộ dân chưa tham gia đấu nối sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, vẫn duy trì thói quen sử dụng nước ngầm khai thác tại chỗ từ nguồn nước ngầm đã có (giếng đào, giếng khoan).
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ dân số khu vực đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 100%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 85%. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng phương án phát triển mạng lưới cấp nước; bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống. Đồng thời, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nước sạch, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho người dân; quyết liệt, linh hoạt giải quyết những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, cơ chế hỗ trợ, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng công suất, mở rộng đường ống cấp nước tới khu dân cư. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cấp nước sạch tại khu vực nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động các nhà máy nước ngầm hiện có trên địa bàn tỉnh; mở rộng, nâng công suất các nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt như: Việt Xuân, Tam Dương, Sông Lô, Bá Hiến, Thái Hòa – Hoa Sơn, Hồng Phương – Liên Châu, Bồ Sao…; xây dựng mới các nhà máy cấp nước mặt như: Sông Hồng, Phúc Bình, Đôn Nhân, Bồ Lý…
Các tin khác:
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc
- Thay đổi nhận thức của hàng nghìn doanh nghiệp về chuyển đổi số