Thứ Sáu, 12/12/2014 20:13:54 (GMT+7)

Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tại Cộng hòa Séc

Từ ngày 18 đến ngày 20/11/2014, Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Phùng Quang Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng đoàn, đã tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Cộng hòa Séc.

Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tại Cộng hòa Séc

Đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác làm việc với Hội người Việt Nam tại Séc và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc.

Ngày 19/11/2014, Đoàn đã có buổi làm việc với Hội người Việt Nam tại Séc và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc có Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam và đại diện Lãnh đạo Hội doanh nghiệp và các thành viên trong Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Séc. Thay mặt đoàn công tác, Đồng chí Phùng Quang Hùng – Trưởng đoàn công tác đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua và đề nghị Hội người Việt Nam tại Séc và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Séc, cũng như các Việt kiều đến tỉnh Vĩnh Phúc tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư.

Hội Người Việt Nam tại Séc là một trong những hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài có truyền thống và bề dày thành tích. Trải quá 15 năm hoạt động, đến nay Hội đã phát triển lớn mạnh không ngừng, mở ra hàng chục chi hội địa phương và các hội thành viên khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp cộng đồng, giúp bà con ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại và đóng góp tích cực cho đất nước Séc. Chính vì vậy việc vừa qua Chính phủ Séc đã chính thức công nhận cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc là dân tộc thiểu số thứ 14 của CH Séc là sự ghi nhận của Chính phủ bạn về năng lực hội nhập và những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt với xã hội Séc. Hội Người Việt Nam tại CH Séc đã trở thành một tổ chức xã hội lớn mạnh, thống nhất từ trung ương đến địa phương, thu hút được sự tham gia đông đảo của bà con cộng đồng người Việt trên tinh thần đoàn kết; hội nhập với xã hội sở tại và luôn luôn gắn bó với quê hương, đất nước. Hiện nay Hội đã có 28 Hội thành viên bao gồm Hội doanh nghiệp; Hội thanh niên, sinh viên; Hội Phụ nữ; Hội Phật tử; Hội Văn học nghệ thuật; Hiệp hội môi giới lao động; các câu lạc bộ thể thao, võ thuật; các hội đồng hương cấp tỉnh và 48 chi hội trên toàn lãnh thổ CH Séc với ban chấp hành gồm 96 ủy viên.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc đã bảy tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn công tác XTĐT của tỉnh Vĩnh Phúc tại thu đô Praha, CH Séc. Ông Thắng đã giới thiệu tóm tắt về quá trình hình thành và phát triển của Hội người Việt Nam tại Séc và mong muốn trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc và Hội người Việt Nam tại Séc sẽ có sự liên hệ, kết nối thường xuyên hơn nữa nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các hội thảo giữa các doanh nghiệp Vĩnh Phúc với các doanh nghiệp Séc và cơ quan chức năng của Séc, cũng như thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Séc.

Buổi sáng ngày 20/11/2014, Đoàn công tác XTĐT của tỉnh đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Đoàn đã được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trương Mạnh Sơn thông báo về tình hình quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thời gian qua, Đại sứ nhấn mạnh, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh để thu hút các nhà đầu tư Séc, không chỉ ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, máy móc.. mà cả trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ sữa, đồ thủy tinh pha lê, thuốc chữa bệnh… mà Séc có tiềm năng rất lớn.

Quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khi đó và Cộng hoà Tiệp Khắc đã được thiết lập ngày 2 tháng 2 năm 1950. Cơ quan đại diện của Tiệp Khắc tại Hà Nội đã chính thức khai trương hoạt động ngày 30 tháng 12 năm 1954 và sau đó một năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Praha cũng được mở cửa. Năm 1956, sự hợp tác bắt đầu được phát triển mạnh mẽ, ngoài những điểm khác còn có việc đào tạo chuyên gia Việt Nam tại Tiệp Khắc, trước hết cho ngành cơ khí và công nghiệp nhẹ.

Các hiệp định được ký kết trong khoảng thời gian 1973, 1974, 1979 và 1980 đã tạo điều kiện cho khối lượng lớn công nhân, học sinh học nghề, sinh viên và thực tập sinh sang học. Vào nửa đầu những năm 80, số lượng công dân Việt Nam tại Cộng hoà XHCN Tiệp Khắc là khoảng 30 000. Nửa sau của những năm 80, số lượng này giảm dần và đến năm 1990, hiệp ước giữa hai nước đã kết thúc. Dù có những thay đổi về chính trị tại Đông Âu vào cuối và đầu những năm 80 và 90, quan hệ Séc-Việt không hề bị gián đoạn và sự thay đổi về điều kiện kinh tế tại Tiệp Khắc đã tạo điều kiện cho người Việt Nam kinh doanh. Do đó, tại Tiệp Khắc đã có nhiều người Việt Nam từ Cộng hoà dân chủ Đức, và từ các nước khác thuộc khối XHCN trước đây sang định cư. Tại Cộng hoà Séc hiện nay có một số tổ chức của người Việt (Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Séc, Hội các doanh nhân Việt Nam và Hiệp hội công dân Cộng hoà Séc nói tiếng Việt). Cộng hòa Séc là một thành viên của hiệp hội quốc tế giúp đỡ các nước đang phát triển, trong khuôn khổ của hiệp hội này công hòa Séc hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác như UNDP (Tổ chức Phát triển của Liên hiệp quốc), Ngân hàng thế giới và một số các tổ chức quốc tế khác. Cộng hòa Séc là quốc gia duy nhất của các quốc gia Đông Âu cũ, kể cả trong những lúc khó khăn nhất là lúc chuyển đổi nền kinh tế mà vẫn dành cho Viêt Nam những khoản viện trợ không hoàn lại. Một số các dự án tại Việt Nam được sự hỗ trợ của Séc như: xây dựng và đưa vào họat động trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng tại tỉnh Thái Nguyên, hiện đại hóa trang thiết bị khám chữa bệnh cho bệnh viện Việt Tiệp tại Hải Phòng, tìm kiếm, nghiên cứu xử lý nguồn nước sạch cho tỉnh Nghệ An.

Hiện nay, Cộng hòa Séc xuất sang Việt Nam chủ yếu là các máy móc, sản phẩm từ sữa, đồ thủy tinh pha lê, thuốc chữa bệnh v.v.v. Hàng hóa nhập từ Việt Nam chủ yếu là các hàng hóa mà Việt Nam xuất sang EU như giày dép, sản phẩm may mặc, cafe và các đồ dùng gia đình khác…Việt Nam xuất chủ yếu nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc và nhập máy móc thiết bị, thuỷ tinh, thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, kim ngạch vẫn còn thấp so với tiềm năng và phía Việt Nam luôn xuất siêu, Séc muốn tăng cường xuất để cân đối xuất nhập hàng hóa.

Thay mặt Đoàn công tác Vĩnh Phúc, đồng chí Phùng Quang Hùng cám ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Séc và cá nhân Đại sứ, thời gian qua đã hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thực hiện chuyến công tác XTĐT của tỉnh tại Séc và mong muốn, Đại Sứ quán Việt Nam tại Séc tiếp tục hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tỉnh Vĩnh Phúc sang Séc giao dịch học tập, công tác và lao động.

Trong thời gian công tác các nước Liên bang Nga, Vương Quốc Đan Mạch, Vương Quốc Hà Lan và Cộng hòa Séc, các thành viên đoàn công tác của tỉnh đều thực hiện tốt các quy định về đối ngoại, cũng như tuân thủ nghiêm các quy định khác của nhà nước khi làm việc ở nước ngoài.

Buổi chiều ngày 20/11/2014, các thành viên của Đoàn công tác Vĩnh Phúc đã lên đường trờ về Việt Nam, kết thúc thành công chuyến công tác xúc tiến đầu tư năm 2014 tại 4 nước Liên bang Nga, Vương Quốc Đan Mạch, Vương Quốc Hà Lan và Cộng hòa Séc.

Trần Quốc Huy - VP UBND tỉnh Vĩnh Phúc