Hoạt động xúc tiến đầu tư của đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc tại New Zealand
Thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2014, từ ngày 30/11 đến ngày 9/12/2014, Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc, do đồng chí Dương Thị Tuyến – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại New Zealand và Australia.
New Zealand và Australia là hai nước phát triển, thuộc châu Đại dương, nằm ở nam bán cầu, nền kinh tế dựa vào các trụ cột là khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên như khai khoáng, trồng trọt, chăn nuôi, hải sản gắn liền với phát triển về khoa học công nghệ, các loại hình dịch vụ và trình độ quản lý tiên tiến. Tỉnh Vĩnh Phúc mở hướng vận động sang các nước châu Đại dương nhằm thu hút các dự án về nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt (rau quả an toàn), chăn nuôi (bò sữa), công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản để tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, đồng thời New Zealand và Australia cũng là hai quốc gia có nền giáo dục phát triển ở trình độ cao, Vĩnh Phúc cần tận dụng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mở đầu chuyến công tác, buổi sáng ngày 02/12/2014 đoàn đã đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp thành phố Auckland – New Zealand (Auckland CCI). Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Kim Phượng – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand. Đón tiếp và làm việc với đoàn có Ông Michael Barnett – Chủ tịch Auckland CCI. Đoàn đã được Ông Chủ tịch Phòng giới thiệu về đất nước New Zealand, về thành phố Auckland và các nhiệm vụ, kết quả hoạt động chủ yếu của Auckland CCI thời gian qua.
New Zealand được hình thành bởi 2 hòn đảo lớn (Bắc và Nam) và 1 dải đảo nhỏ. Nằm ở phía nam Thái bình dương, cách Australia 1.600 km về phía đông nam. Đảo Bắc có thủ đô Wellington và đảo Nam có thành phố Christ Church nổi tiếng với những dãy núi chạy dài theo chiều dài của đảo, tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp. New Zealand có diện tích 268.700 km2, dân số giữa năm 2014 là 4.509 nghìn người. Quy mô nền kinh tế với GDP là 128,5 tỷ USD, bình quân đầu người 28.800 USD. Năm 2013 xuất khẩu của New Zealnd là 37,730 tỷ USD, nhập khẩu đạt 35,650 USD. Nông nghiệp và thủy sản phát triển nhưng chỉ chiếm 4,8%, công nghiệp 24,6%, còn dịch vụ chiếm tới 70,6% (chủ yếu là du lịch). Là quốc gia đa dân tộc (86 dân tộc khác nhau đến chủ yếu từ châu Âu và châu Á), New Zealnd có nền văn hóa đa dạng phong phú. New Zealand có khí hậu ôn đới với mùa đông ẩm ướt và mùa hè ấm và khô, nhiệt độ trung bình từ 70C đến 160C, nhiệt độ mùa hè cao nhất nhiều nơi chỉ khoảng 250C, do vậy hầu như cả đất nước New Zealand luôn được che phủ bởi màu xanh của cỏ cây, tạo môi trường sống trong lành, thu hút mạnh du khách đến thăm quan du lịch.
Thành phố Auckland nằm ở phía bắc của đảo Bắc, diện tích 1.086 km2, dân số 1,5 triệu người. Đây là thành phố cảng – “thành phố của những cánh buồm” với những bãi biển đẹp, những ngôi nhà gỗ, bờ vịnh tô điểm bởi các du thuyền và cánh buồm, khu rừng tự nhiên tươi tốt và các trung tâm đô thị sầm uất tạo nên điểm nhấn cho Auckland. Nằm vắt qua một dải đất rộng 11 km, phân chia thành hai cảng: cảng Waitermata và cảng Manuka. Thành phố tràn ngập bầu không khí vui vẻ và náo nhiệt, hoạt động của các bến tàu, nhà hàng, dịch vụ tấp nập cả ngày lẫn đêm. Ackland đóng góp vào GDP của New Zealand 35%, lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng Auckland chiếm 30%, qua đường hàng không 85% của New Zealand.
Auckland CCI có trụ sở tại Level 3, 100 Mayoral Driver, Auckland; được thành lập từ năm 1856, Auckland CCI luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo mối liên kết phát triển chặt chẽ, bền vững, đặc biệt là hỗ trợ, hợp tác cùng nhau phát triển. Auckland CCI là hiệp hội do chính quyền thành phố hỗ trợ, có các chi nhánh hoạt động theo ngành, lĩnh vực, có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Auckland về đầu tư và thương mại; kết nối các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị khách hàng, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và cung cấp thông tin qua mạng internet,… Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Thị Tuyến – Trưởng đoàn công tác Vĩnh Phúc đã giới thiệu những nét nổi bật về kinh tế – xã hội của tỉnh và mong muốn Auckland CCI là cầu nối để các doanh nghiệp Auckland nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam trong đầu tư, thương mại, chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Làm việc với Đoàn Vĩnh Phúc, Chủ tịch Auckland CCI chia sẻ về những kinh nghiệm trong phát triển mô hình phát triển kinh tế của New Zealnd, điển hình là kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp như các Tập đoàn sữa,… đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác lâu dài với tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn sữa Fonterra tại Fonterra Center, 9 Princes Street, Aukcland 1010; thăm Trang trại nuôi bò sữa cách trụ sở Tập đoàn 30 km. Đón tiếp và làm việc với đoàn có Ông Dave Christie – Giám đốc Chi nhánh Asean/MENA. Đại diện Tập đoàn cho biết New Zealand hiện có khoảng 4 triệu con bò sữa, hình thức chăn nuôi là chăn thả tại các đồng cỏ tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp, do vậy sữa bò New Zealand có hàm lượng dinh dưỡng cao vào bậc nhất trên thế giới. New Zealand có 76 nhà máy chế biến sữa bò và chi nhành phân phối ở trên 100 nước trên thế giới, giá trị sữa xuất khẩu chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của New Zealand. Sản lượng sữa bò sản xuất tại New Zealand xuất khẩu ra nước ngoài 95%, tiêu dùng nội địa chỉ 5%, hiện sản lượng sữa bò của New Zealand chiếm 30% sản lượng sữa toàn cầu. Sản lượng sữa cao nhất trên 01 bò sữa trong 1 ngày là 275 lít, cả năm bình quân 4.100 lít. Mô hình tổ chức của Tập đoàn sữa Fonterra là kinh tế hợp tác, với 1.500 cổ đông là chủ các trang trại. Đại hội cổ đông bầu ra 35 người đại diện, và từ đó bầu ra 13 người lãnh đạo quản lý cho Tập đoàn. Sản lượng sữa do Tập đoàn sữa Fonterra đã sản xuất là 21 tỷ lít, với 18 lít sản xuất ở trong nước, 3 tỷ lít sản xuất ở nước ngoài.
Đến thăm một nhà máy sản xuất sữa, thăm một trang trại chăn nuôi bò sữa điển hình của Tập đoàn, Đoàn công tác Vĩnh Phúc rất ấn tượng với phương pháp quản lý, quy trình chăn nuôi, lấy sữa, cung cấp sữa nguyên liệu cho nhà máy chế biến, quy trình chế biến sữa của Tập đoàn sữa Fonterra. Chủ trang trại nuôi bò sữa là một kỹ sư chăn nuôi, đồng thời trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Trang trại hiện có 450 con bò sữa, diện tích của trang trại là 150 ha, nhưng chỉ có 4 lao động, do ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu sản xuất. Trang trại rất quan tâm đến bảo vệ môi trường, xử lý chất thải của bò trong điều kiện chăn nuôi quy mô lớn. Mô hình tổ chức quản lý sản xuất khép kín của Tập đoàn sữa Fonterra cần được nghiên cứu vận dụng vào tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là việc thay đổi quy mô từ nhỏ lẻ sang quy mô tập trung lớn, việc cung ứng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, thu mua vận chuyển sữa trực tiếp từ các trang trại về các nhà máy chế biến sữa./.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc