Thứ Sáu, 16/09/2016 8:17:05 (GMT+7)

Chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 9/2016 (Phần 2)

IPA Vinh Phuc tiếp tục cập nhật nhiều chính sách mới đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành của Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ tháng 09/2016.

Chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 9/2016 (Phần 2)

  1. Hướng dẫn về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định số15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 20/9/2016.

Theo đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) được hướng dẫn như sau:

– Nhà đầu tư nộp 05 bộ hồ sơ (01 bản gốc và 04 bản sao) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Hồ sơ dự án thực hiện theo Khoản 1 Điều 14 Thông tư này.

– Trong 02 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ (trường hợp có sửa đổi, bổ sung phải thông báo 1 lần bằng văn bản cho nhà đầu tư).

– Trong 03 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (tùy theo mục đích, quy mô dự án), Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án.

– Trong 07 ngày làm việc từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan có ý kiến trong phạm vi của mình.

– Trong 25 ngày từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, cấp GCNĐKĐT cho nhà đầu tư.

 

  1. Quy định đăng ký sửa đổi chế độ kế toán doanh nghiệp vừa & nhỏ

Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, doanh nghiệp đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán đối với hệ thống tài khoản kế toán được thực hiện như sau:

– Phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện đối với trường hợp cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2; sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù.

– Mở thêm các tài khoản cấp 2, cấp 3 đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp tại Phụ lục 1 Thông tư này thì không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.

Thông tư số 133/2016/TT-BTC có hiệu lực áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2017.

 

  1. Điều kiện dự án được bố trí vốn ODA

Vừa qua, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi.

Theo đó, điều kiện để chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng là :

– Thuộc danh mục chương trình, dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm;

– Có điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết trong thời kỳ kế hoạch 5 năm;

– Bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn đối ứng hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ tại điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết;

– Tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công.

Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 22/9/2016 và thay thế Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT.

 

  1. 05 nhóm vụ việc phá sản có tính chất phức tạp

Đây là nội dung được hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP về việc thi hành một số quy định của Luật Phá sản năm 2014.

Theo đó, vụ việc phá sản được xem là có tính chất phức tạp khi không thuộc 01 trong các trường hợp tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 8 Luật Phá sản và thuộc 01 trong các trường hợp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản sau:

– Doanh nghiệp, hợp tác xã có từ trên 300 lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ từ trên 100 tỷ đồng trở lên.

– Là tổ chức tín dụng; doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định.

– Là tập đoàn kinh tế; tổng công ty Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

– Doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài.

– Doanh nghiệp, hợp tác xã có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 Luật Phá sản.

Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 16/9/2016.

 

  1. Kết nối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với ASEAN

Theo Quyết định số 1734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số định hướng nhằm thực hiện mục tiêu hướng tới năm 2020 đảm bảo cơ bản hình thành khung kết nối hạ tầng ASEAN bao gồm:

– Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2.000 – 2.500 km, trên tổng số khoảng 6.400 km đường cao tốc cần đầu tư theo quy hoạch.

– Đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, nâng tốc độ chạy tàu đạt 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng.

– Tập trung phát triển các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II; phấn đấu đến năm 2030, đưa tổng công suất của nguồn điện hạt nhân lên khoảng 10.700 MW.

– Xây dựng 02 đến 03 khu công nghệ thông tin tập trung tại mỗi thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

– Nhà nước tạo thuận lợi và chia sẻ rủi ro nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án.

Quyết định số 1734/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 06/9/2016.

 

  1. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản

Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” có hiệu lực từ ngày 05/9/2016.

Theo đó, phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu sau nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản; nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa:

– 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng;

– Tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%;

– Khoảng 35 – 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng;

– Khoảng 50 – 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng;

– Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.

Đặng Hằng – IPA Vinh Phuc (Cập nhật)