Thứ Sáu, 29/04/2016 13:50:34 (GMT+7)

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5 năm 2016

Từ ngày 01/5/2016, rất nhiều chính sách mới đã được Chính phủ và các Bộ ngành ban hành chính thức có hiệu lực.

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5 năm 2016

1.Bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng sắt, thép

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 51/2016/TT-BTC ngày 18/3/2016 sửa đổi, bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với mặt hàng sắt hoặc thép để sản xuất tanh lốp xe thuộc chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC.

Theo đó sửa đổi, bổ sung nhóm 98.10 tại Mục II – Danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tại Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:

Mã hàng Mô tả hàng hóa Mã hàng tương ứng tại mục I phụ lục II Thuế suất (%)
98.10     Sắt hoặc thép để sản xuất tanh lốp xe.
9810 00 10 – Sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng, có đường kính mặt cắt ngang hình tròn dưới 14 mm để sản xuất tanh lốp xe 7213 91 90 0
9810 00 90 – Sản phẩm bằng dây sắt hoặc thép để sản xuất tanh lốp xe 7326 20 90 0

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/5/2016.

2. 6 lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Theo Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, có 6 lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, cụ thể:

– Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.

– Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước.

– Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

– Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

– Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

– Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 16/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/5/2016 và thay thế Nghị định 38/2013/NĐ-CP .

3. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Nghị định 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 (có hiệu lực từ ngày 01/5/2016) quy định mức phí đối với khai thác khoáng sản như sau:

– Mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than 50 đồng/m3.

Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dâu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.

– Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định này.

– Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí đối với loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Căn cứ mức phí quy định tại Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định này, HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

4. Miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyên gia nước ngoài

Quyết định 06/2016/QĐ-TTg ngày 22/02/2016 quy định chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế TNCN từ ngày 01/5/2016.

Theo đó, điều kiện để được miễn thuế đối với chuyên gia nước ngoài là:

– Có quốc tịch nước ngoài.

– Có hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc với cơ quan chủ quản dự án hoặc với chủ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Việt Nam trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

5. Hướng dẫn mới về giá xây dựng công trình

Tại Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, giá xây dựng công trình được hướng dẫn như sau:

Giá xây dựng công trình gồm:

– Đơn giá xây dựng chi tiết: được tính cho các công tác xây dựng cụ thể của công trình, làm cơ sở xác định dự toán xây dựng công trình và dự toán gói thầu xây dựng, gồm:

+ Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình không đầy đủ gồm: chi phí vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công.

+ Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình đầy đủ gồm: chi phí vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước.

– Giá xây dựng tổng hợp: được tính cho nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình và được tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết của công trình theo quy định trên, làm cơ sở xác định dự toán xây dựng và tổng mức đầu tư xây dựng, gồm:

+ Giá xây dựng tổng hợp không đầy đủ.

+ Giá giá xây dựng tổng hợp đầy đủ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/5/2016.

6. Mức bảo đảm bảo hành tối thiểu theo hợp đồng thi công xây dựng

Ngày 10/3/2016, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình.

Theo đó, mức bảo đảm bảo hành tối thiểu theo hợp đồng thi công được quy định như sau:

– 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp 1.

– 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/5/2016.

7. Phương pháp xác định giá nhân công thị trường trong xây dựng

Thông tư 05/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì việc điều tra, khảo sát đơn giá nhân công thị trường bao gồm các bước sau:

– Phân chia khu vực (vùng): Việc phân chia khu vực để khảo sát thực hiện theo quy định của Chính phủ về lương tối thiểu vùng.

– Xác định đối tượng điều tra, khảo sát.

– Cách thức điều tra, khảo sát: phỏng vấn trực tiếp, gửi phiếu điều tra khảo sát tới đối tượng được khảo sát.

– Số lượng khảo sát giá nhân công của khu vực công bố tối thiểu phải là 15 thợ chính và 15 thợ phụ, đại diện cho các công việc trong nhóm ở các địa điểm tập trung dân cư và xây dựng.

Những khu vực không đủ số lượng để điều tra, khảo sát thì lấy theo số lượng khảo sát thực tế thu thập được.

– Xử lý số liệu điều tra, khảo sát.

– Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá nhân công xây dựng với hệ số không quá 1,2 mức giá nhân công trung bình tính toán.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/5/2016.

8. Quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư

Ngày 23/3/2016, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 55/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, bao gồm:

– Quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí thực hiện dự án của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;

– Phương án tài chính của dự án PPP;

– Thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP;

– Quyết toán dự án PPP hoàn thành;

Chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư .

Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/5/2016 và thay thế Thông tư số 166/TT-BTC ngày 17/11/2011.

Thùy Dương - IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)