Thứ Năm, 20/06/2013 8:07:20 (GMT+7)

Vĩnh Phúc : Cải thiện đầu tư, chú trọng nguồn nhân lực

Đó là nhận định của ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc với DĐDN về cải thiện môi trường đầu tư nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN dân doanh.

Theo ông Hùng, sau 8 năm đánh giá xếp hạng về chỉ số PCI, Vĩnh Phúc luôn nằm trong TOP đầu. Việc năm 2012 Vĩnh Phúc tụt 26 bậc là một kết quả đáng báo động cần phải tìm ra “bệnh” để chữa.

– Nói vậy chắc tỉnh đã tìm ra “bệnh”, ông có thể cho biết cụ thể việc này ?

Ngay sau khi có kết quả đánh giá xếp hạng PCI năm 2012, chúng tôi đã xem xét thật nghiêm túc và giao cho Hiệp hội DN tỉnh, Ban xúc tiến đầu tư, sở Kế hoạch và Đầu tư xuống làm việc với VCCI. Chúng tôi đã bóc tách chi tiết từng vấn đề để có hướng khắc phục.

Đối với tỉnh, chúng tôi giao Hiệp hội DN tỉnh chủ trì cùng sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban xúc tiến đầu tư làm phiếu đánh giá gửi các DN trên địa bàn tỉnh. Kết quả lấy ý kiến lần đầu chỉ có hơn 40% DN trả lời. Do đó chúng tôi đã cải tiến phương thức và yêu cầu lấy ý kiến lần thứ hai, thu về 96% ý kiến trả lời. Qua tổng hợp, chúng tôi nhận thấy ý kiến của DN phản ảnh một cách tương đối khách quan và chính xác. Từ đó chúng tôi biết được “bệnh” ở đâu. Cụ thể chúng tôi đã phát hiện được 50% “bệnh” từ cấp huyện và 50% từ cấp xã. Còn cấp tỉnh cũng chỉ ra được một số ngành rõ ràng.

– Vậy năm 2013 Vĩnh Phúc đã có những chính sách để chữa “bệnh” như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã tiến hành rà soát, thành lập Ban xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, cố gắng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về dự án đầu tư, các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư… nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cùng với đó chúng tôi sốc lại “đội hình”, xem lại các cơ chế chính sách của tỉnh về tạo điều kiện cho các DN, trong đó đặc biệt là vấn đất đai

Đối với những dự án mới, chúng tôi tập trung quy hoạch lại đất toàn tỉnh từ đất nông nghiệp, nông thôn mới đến kế hoach sử dụng đất từng xã. Đối với lĩnh vực khác, như xây lắp chúng tôi rà soát lại quy trình từ A đến Z, từ chủ trương đầu tư xây dựng các dự án ngân sách từ TW, địa phương cho đến khi kết thúc quyết toán để xem công đoạn nào gây khó và xử lý, giải quyết cho DN. Tỉnh thường tổ chức một năm 2 lần đối thoại trực tiếp với DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Từ việc cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp, có thể nói hiện nay, chúng tôi đang và đã thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Mới đây, một DN Nhật Bản vừa đầu tư khởi công dự án 14 triệu USD. Kế hoạch cả năm 2013 của tỉnh là thu hút 200 triệu USD FDI. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm chúng tôi đã thu hút được 236 triệu USD, vượt kế hoạch cả năm. Dự án đầu tư trong nước vượt kế hoạch 2.700 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.

– Với làn sóng đầu tư như vậy thì việc đào tạo nguồn nhân lực được tỉnh chú trọng như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi luôn coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành một loạt các quyết định, chính sách về hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho người dân. Trong đó, đáng chú ý có chính sách hỗ trợ học nghề 400-500.000đ/người tùy theo nghề học. Thời gian hỗ trợ thực học không quá 30 tháng với cao đẳng nghề, bổ túc văn hóa + nghề: không quá 20 tháng đối với trung cấp nghề. Ngoài ra, tỉnh còn có chế độ hỗ trợ xuất khẩu lao động: Người lao động thuộc diện chính sách được vay 100 triệu đồng trong 12 tháng với lãi suất hỗ trợ từ quỹ việc làm của tỉnh; các đối tượng khác được vay tối đa 30 triệu đồng từ quỹ giải quyết việc làm và được hỗ trợ 70% lãi suất trong năm đầu.

[quote style=”1″]Từ đầu năm 2013 chúng tôi đang thí điểm giao cho tỉnh đoàn tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu của DN.[/quote]

Hàng năm, tỉnh dành 600 – 800 triệu đồng từ ngân sách, giao sở Kế hoạch – Đầu tư và hội Doanh nghiệp tỉnh mở các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, chủ yếu là Khởi sự doanh nghiệp và Nâng cao quản trị kinh doanh cho cán bộ quản lý. Từ năm 2012, chúng tôi cơ bản ngăn chặn được tình trạng dạy nghề tràn lan, đào tạo nghề không đúng nhu cầu thực tế. Do việc quản lý đào tạo nghề đòi hỏi phải bám sát thực tế, nhưng số lượng cán bộ của sở Lao động – Thương Binh – Xã hội rất hạn chế, vì vậy từ đầu năm 2013, chúng tôi đang thí điểm giao cho tỉnh đoàn tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu của DN, bởi tỉnh đoàn có chân rết từ cấp tỉnh đến xã, thôn… Tuy nhiên, vấn đề này cần có thời gian để thực hiện.

Nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ Khởi nghiệp dành cho các bạn thanh niên, sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc, Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc và Báo DĐDN – Đơn vị thường trực tổ chức Chương trình Khởi nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp triển khai các hoạt động tổng thể về hỗ trợ Khởi nghiệp giai đoạn 2013 – 2015. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực đối với thế hệ trẻ lập thân, lập nghiệp tại Vĩnh Phúc, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

– Hiện nay Lãnh đạo ở nhiều tỉnh thành nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tuy vậy nhiều tỉnh có tình trạng việc thực hiện chính sách không đồng bộ từ cấp trên xuống dưới. Vấn đề này đối với Vĩnh Phúc thế nào, thưa ông ?

Lãnh đạo tỉnh luôn cố gắng giải quyết dứt điểm các công việc trong ngày. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy cũng như cách làm việc của cả một hệ thống không thể là vấn đề ngày một ngày hai. Trước mắt, tôi quán triệt tinh thần đối với cấp dưới là phải giải quyết công việc trong từng lĩnh vực, từng ngành với thời gian cụ thể. Khi làm thủ tục hành chính, ở đâu tắc là chúng tôi xử lý ngay. Chúng tôi kiên quyết thực hiện điều này để xây dựng một cơ chế kiểm soát, cơ chế giám sát từ tỉnh đến xã.

– Xin cảm ơn ông!

 

Nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ Khởi nghiệp dành cho các bạn thanh niên, sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc, Báo DĐDN – Đơn vị thường trực tổ chức Chương trình Khởi nghiệp và Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp triển khai các hoạt động tổng thể về hỗ trợ Khởi nghiệp giai đoạn 2013 – 2015.

Các nội dung phối hợp gồm: Tuyên truyền cho thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp; Phối hợp tổ chức các hoạt động trong Chương trình tổng thể hỗ trợ khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên Vĩnh Phúc: giao lưu khởi nghiệp, các lớp đào tạo khởi nghiệp; Cuộc thi Khởi nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ thanh niên, sinh viên phát triển các ý tưởng kinh doanh thành các dự án kinh doanh; đưa dự án kinh doanh vào thực tế; phát huy vai trò cầu nối tìm kiếm các nhà đầu tư, các Quỹ đầu tư để hỗ trợ triển khai các dự án khả thi, góp phần hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh.

Theo đó, để hỗ trợ các hoạt động Khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc, Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ Chủ trì phối hợp với Báo DĐDN triển khai các chương trình giao lưu khởi nghiệp, đào tạo khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp trong chương trình tổng thể hỗ trợ khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc; Giới thiệu các các doanh nhân thành đạt là hội viên Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc tham gia giao lưu trao đổi về kinh nghiệm khởi nghiệp và lập nghiệp với sinh viên các trường đại học, cao đẳng tỉnh Vĩnh Phúc; Chủ trì phối hợp với Báo DĐDN trong việc tư vấn, hỗ trợ, kết nối đầu tư, bảo trợ truyền thông cho các dự án khởi nghiệp nhằm góp phần hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp