Thứ Ba, 05/01/2016 8:57:25 (GMT+7)

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01 – 2016

Các chính sách mới quan trọng được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực từ tháng 01 – 2016. Cụ thể như sau:

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01 – 2016

Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều trường hợp sẽ được hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tăng thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu và bia.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 và 75% từ ngày 01/01/2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế TTĐB là 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, thuế suất thuế TTĐB cũng tăng thêm 5% lên 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018.

Bổ sung trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng

Bộ Tài chính  ban hành Thông tư 193/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo đó, ngoài các trường hợp cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế theo Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC,Thông tư 193/2015/TT-BTC bổ sung trường hợp sau:

– Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước.

Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động:

+ Thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

+ Chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động và thương binh xã hội.

+ Thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.

Thông tư 193/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/01/2016.

Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Có hiệu lực từ 1/1/2016, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ban hành ngày 3/11/2015 với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này phủ rộng từ khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm.

Kèm theo Nghị định, Chính phủ cũng ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản được ban hành nhằm xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản thống nhất, đủ độ tin cậy để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thị trường và phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội; phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật có liên quan; thực hiện các quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản và là cơ sở để tạo hành lang pháp lý theo kịp với tình hình phát triển của thị trường.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

Thủ tục gửi thang lương, bảng lương

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố thủ tục hành chính lĩnh vực lao động, tiền lương, quan hệ lao động kèm theo Quyết định 1858/QĐ-LĐTBXH . Theo đó:

– Trình tự thực hiện thủ tục “Gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp” như sau:

+ Bước 1: Doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định và gửi cơ quan quả lý nhà nước về lao động cấp huyện.

+ Bước 2: Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện tiếp nhận thang, bảng lương đăng ký.

– Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

– Thành phần hồ sơ: Thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp.

– Đối tượng thực hiện thủ tục này là Người sử dụng lao động.

– Yêu cầu, điều kiện: Không trái với các nguyên tắc do pháp luật quy định.

Quyết định 1858/QĐ-LĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 21/12/2015.

Quy định mới về xử phạt vi phạm bán hàng đa cấp

Có hiệu lực từ ngày 5/1/2016, Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, Nghị định sửa đổi xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi nêu trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng

Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có hiệu lực từ 1/1/2016. Quyết định quy định cụ thể về: nguyên tắc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/1/2016. Nghị định quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, quy định cụ thể tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP, từ 01/01/2016, mức tiền đóng bảo hiểm xã hội được tính dựa trên lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng.

Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

Điểm mới Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH về lao động

Từ ngày 01/01/2016, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó, có những điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng

Các trường hợp sau được xem là nghỉ việc có lý do chính đáng:

– Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc.

– Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

(Trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng sẽ không bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải theo Điều 31 của Nghị định 05).

2. Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường để tính tiền làm thêm giờ; tiền lương thực trả sẽ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, trả thêm khi làm vào ban đêm, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ…

4. Tiền lương trả cho một ngày làm việc được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tuy nhiên số ngày làm việc trong tháng không được vượt quá 26 ngày).

5. Tiền lương để làm căn cứ trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc có hưởng lương, tạm ứng tiền lương theo Điều 26 của Nghị định 05 là tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

6. Ngoài ra, Thông tư 47 còn hướng dẫn nhiều vấn đề về ủy quyền giao kết hợp đồng, hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi…

Thùy Dương - IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)