Vĩnh Phúc: ‘Làng văn hoá kiểu mẫu’ lấy người dân là trung tâm
Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Quá trình thực hiện luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Ngày 21/5, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Tại hội nghị, nhấn mạnh đến mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu các địa phương phải có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, Bí thư cấp ủy phải là Trưởng Ban chỉ đạo, từ đó, phát huy cao nhất vai trò của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nghị quyết. Đặc biệt, cần tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, tránh sự áp đặt, chủ quan duy ý chí khi triển khai các nội dung, chương trình”, Bí thư Hoàng Thị Thuý Lan lưu ý.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thuý Lan cũng yêu cầu các cấp, ngành khẩn trương quán triệt nghị quyết của HĐND tỉnh về tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, các hội, đoàn thể trong tuyên truyền, phổ biến để các tầng lớp nhân dân hiểu, cùng vào cuộc với chính quyền.
Người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sớm tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về nội dung, chủ trương, các cơ chế, chính sách xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, giúp cấp ủy, chính quyền và người dân phấn khởi, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã yêu cầu các đơn vị triển khai một số nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về việc Thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Quá trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng. Tỉnh sẽ lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Về mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Lãnh đạo tỉnh cho hay: Dự kiến cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa của Đề án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện xã và nguồn xã hội hóa: 135 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi từ Đề án là người dân trên địa bàn tỉnh; trước mắt là người dân các làng thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn tiếp theo đến 2030;
Về Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đối tượng áp dụng là các làng, thôn, bản, tổ dân phố, khu phố, khối phố, tiểu khu (được gọi chung là làng) được lựa chọn thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết.
Nghị quyết này gồm 16 chính sách đặc thù hỗ trợ, trong đó có 1 chính sách hỗ trợ thông qua hình thức cho vay vốn được ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, 2 chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án đầu tư công. Các chính sách còn lại chủ yếu thực hiện hỗ trợ một lần sau khi đối tượng được hỗ trợ đã hoàn thành mô hình, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc