Thứ Ba, 30/08/2016 14:46:19 (GMT+7)

UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ

Ngày 29/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động số 4324/CTHĐ-UBND thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ

Mục tiêu của chương trình hành động (CTHĐ) là hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến năm 2020, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng với quy mô hợp lý, công nghệ phù hợp và hiện đại, mô hình tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; tham gia tích cực vào chuỗi giá trị (sản xuất, phân phối) các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh và cả nước; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của nhân dân.

CTHĐ thực hiện dựa trên nguyên tắc: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; Quy trình triển khai hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất và đồng bộ; Doanh nghiệp được phép hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; Công tác thanh tra kiểm tra cần đề cao hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, sau đó mới đến ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiệm mọi hành vi vi phạm pháp luật; Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên quan điểm xử phạt, xử lý hành chính, theo đúng các quy định của pháp luật.

Các nhiệm vụ, giải pháp mà CTHĐ đưa ra là:

  1. Tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt và nâng cao nhận thức tăng cường hành động của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
  2. Tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động Khởi nghiệp.
  3. Hỗ trợ doanh nghiệp: Đầu tư về hạ tầng, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp có nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính; Phát triển đội ngũ doanh nhân, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; Nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới công nghệ.
  4. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
  5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
  6. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
  7. Nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao.
  8. Huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
  9. Nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Để tổ chức thực hiện CTHĐ đề nghị các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành cần cụ thể hóa CTHĐ này thành các nhiệm vụ, công việc theo từng lĩnh vực để triển khai thực hiện.

Thùy Dương - IPA Vinh Phuc