Tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 8/2015
Tháng 8/2015, kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ổn định và phát triển; Sản xuất nông nghiệp ở các địa phương đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu vụ mùa; Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng so với tháng trước và cùng kỳ; Các ngành dịch vụ tăng so với tháng trước và cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng khá so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, duy trì ổn định. Kết quả cụ thể như sau:
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
a) Nông nghiệp:
+ Trồng trọt: Tính đến hết ngày 28/8/2015, toàn tỉnh đã gieo trồng được 33.047 ha lúa và rau màu các loại, tăng 0,37% so với cùng kỳ. Trong đó, lúa mùa đạt 27.550 ha, bằng 98,52% so với cùng kỳ năm trước; ngô 1.614 ha, tăng 9,95% so với cùng kỳ; khoai lang 205 ha, bằng 85,77%; đỗ tương 258 ha, bằng 85,71% so với cùng kỳ; lạc 537 ha, bằng 91,48%; rau xanh 1.801 ha, tăng 7,07% so với cùng kỳ…
+ Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay nhìn chung tương đối thuận lợi và phát triển. Số lượng đầu con trên đàn gia súc, gia cầm có xu hướng tăng hơn năm trước do giá bán sản phẩm chăn nuôi tương đối ổn định ở mức khá, người chăn nuôi có lãi nên yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, vì vậy từ đầu năm đến nay Vĩnh Phúc không xảy ra những dịch bệnh nguy hiểm.
b) Lâm nghiệp: Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh toàn tỉnh trồng được 602,8 ha rừng tập trung, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, rừng sản xuất 518,8 ha, rừng đặc dụng 26 ha, rừng phòng hộ 58 ha. Tại các địa phương việc trồng rừng chỉ đạt 78,1% kế hoạch, nguyên nhân là do nguồn cung ứng cây giống không kịp đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn, nguồn lực của các chủ rừng còn hạn chế. Công tác phòng, chống cháy rừng luôn được quan tâm đặc biệt, các địa phương chủ động tích cực triển khai phòng, chống cháy rừng nên từ đầu tháng đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.
c) Thuỷ sản: Sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trong tháng có nhiều thuận lợi do mưa nhiều, tạo điều kiện cho ao, hồ, đầm đủ nước để nuôi trồng thuỷ. Dự kiến Tám tháng đầu năm, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 7.061 ha, đạt 100,86% kế hoạch năm và tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 12.129 tấn, tăng 2,21% so cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp
a) Chỉ số sản xuất và sản phẩm công nghiệp
Trong tháng phát triển ổn định, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp mới đầu tư đã đi vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của toàn ngành. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng Tám tăng 3,84% so tháng trước và tăng 10,60% so cùng kỳ. Trong tháng, chỉ số sản xuất của hầu hết các ngành đều tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ như: Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 33,83% so với cùng kỳ; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng tăng 23,01%; ngành sản xuất trang phục tăng 16,23%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,27% so cùng kỳ…
b) Chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 13,28% so với cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,17%.
Tại thời điểm 01/8/2015, chỉ số tồn kho tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 26,53% so với cùng kỳ. Một số ngành có xu hướng tăng như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng trên 4 lần; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 19,45%; ngành sản xuất trang phục tăng 13,12%…
c) Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/8/2015 tăng 0,74% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ; tính chung tám tháng đầu năm tăng 11,07%. Theo ngành công nghiệp cấp I, ngoài ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 19,08%), các ngành còn lại tăng không đáng kể. Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,3%; doanh nghiệp nhà nước tăng 2,22%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,47% so với tháng cùng kỳ năm trước.
- Đầu tư, xây dựng
Dự kiến tháng Tám, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 492,6 tỷ đồng, tăng 4,69% so với tháng trước. Giá trị này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 343,6 tỷ đồng, tăng 10,30%; vốn ngân sách cấp huyện là 111,7 tỷ đồng, giảm 0,63% và vốn ngân sách cấp xã là 37,3 tỷ đồng, giảm 19,92% so với tháng trước. Tính chung tám tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước đạt 2.864,4 tỷ đồng, tăng 18,87% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 1.823,3 tỷ đồng, tăng 35,09%; vốn ngân sách cấp huyện là 744,8 tỷ đồng, tăng 28,16% và vốn ngân sách cấp xã là 296,2 tỷ đồng, bằng 61,85% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do các công trình, dự án mới được khởi công nhằm đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và các dự án, công trình quan trọng của tỉnh tiếp tục được các nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 08/2015 đã thực hiện cấp mới GCNĐT cho 02 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 434.000 USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 01 dự án, tổng vốn đầu tư tăng thêm là 05 triệu USD. Tính từ 21/12/2014 đến 28/8/2015 đã cấp mới GCNĐT cho 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 172,36 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 15 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 116,75 triệu USD, chấm dứt hoạt động 06 dự án với tổng số vốn đầu tư 226,82 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 197 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.153,58 triệu USD.
Về đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), tháng 08/2015 đã chấp thuận chủ trương đầu tư và (hoặc) cấp GCN ĐKĐT cho 03 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là 551,53 tỷ đồng. Tính từ 21/12/2014 đến 28/8/2015 đã cấp mới GCNĐT cho 35 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.908,28 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 02 dự án với tổng số vốn tăng 300,89 tỷ đồng, điều chỉnh giảm vốn cho 01 dự án với tổng số vốn giảm: 2,3 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động 10 dự án với tổng số vốn đầu tư 3.198,74 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 596 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 43.175,24 tỷ VND.
4. Một số ngành dịch vụ chủ yếu
a) Thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 8/2015 đạt 2.734 tỷ đồng, bằng 98,64% so tháng trước và tăng 12,33% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2015 giảm nhẹ 0,09% so tháng trước, trong đó giá hàng lương thực tiếp tục giảm 3,69%, thực phẩm tăng 1,86%; giao thông giảm 13,01%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,06%; … CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2015 so cùng kỳ tăng 0,27%.
b) Xuất, nhập khẩu: Xuất khẩu trên địa bàn tháng 8/2015 dự kiến đạt khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 135,9 triệu USD, tăng 2,1% so tháng trước và bằng 78,15% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2015 dự kiến đạt 197,4 triệu USD, tăng 1,53% so với tháng trước và tăng 13,56% so với cùng kỳ.
c) Hoạt động kinh doanh vận tải: hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Khối lượng vận tải hàng hoá tháng 8/2015 đạt 077 ngàn tấn, luân chuyển đạt 135.250 ngàn tấn.km, tăng 6,03% về tấn và tăng 11,54% về tấn.km so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hoá tăng 13,67% về tấn và tăng 14,51% về tấn.km. Vận tải hành khách đạt 1.214 ngàn người, luân chuyển đạt 114.836 ngàn người.km, tăng 0,95% về người và tăng 1,95% về người.km so với tháng trước; so cùng kỳ năm trước, tăng 0,23% về người và tăng 0,71% về người.km. Doanh thu vận tải đạt 244,2 tỷ đồng, tăng 5,04% so tháng trước và tăng 17,13% so cùng kỳ.
5. Một số vấn đề xã hội
– Tình hình tai nạn giao thông: Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, tính đến 15/7/2015, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông trong đó 24 vụ tai nạn đường bộ và 01 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 23 người và bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm cả về số vụ, số người chết. Các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và phát hiện 6.698 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.166 phương tiện, 5.453 bộ giấy tờ xe, ra quyết định xử phạt 5.459 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước trên 3 tỷ đồng. Tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy phát hiện 39 trường hợp vi phạm, xử phạt 38,5 triệu đồng.
– Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường: Trong tháng Tám, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy phòng nghỉ dãy nhà điều hành công ty TNHH Tư vấn xây dựng Vĩnh Phú – Tích Sơn – Vĩnh Yên, nguyên nhân cháy do sự cố điện, vụ cháy không gây thiệt hại về người, số tiền thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy, số tiền thiệt hại là 12.458 triệu đồng; Các cơ quan chức năng đã phát hiện 01 vụ vi phạm môi trường; số vụ vi phạm môi trường bị xử lý là 01 vụ với tổng số tiền phạt 11,5 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm số vụ vi phạm môi trường là 16 vụ, số tiền xử phạt là 314,5 triệu đồng.
(Trích từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 08 và 08 tháng đầu năm 2015 của Cục Thống kê tỉnh và Báo cáo nhanh kết quả thu hút đầu tư trực tiếp tháng 08 năm 2015 của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư)
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc