Thứ Sáu, 09/01/2015 19:02:09 (GMT+7)

Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014

Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi, giá cả bấp bênh. Sản xuất công nghiệp tuy dần được phục hồi, nhưng sản lượng sản phẩm xe máy giảm (đây là một trong 2 sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp, có đóng góp lớn cho nguồn thu và tăng trưởng). Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, nợ xây dựng cơ bản còn cao… Song với sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, chủ động của UBND tỉnh trong tháo gỡ khó khăn về sản xuất, kinh doanh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế – xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt cao. Các vấn đề văn hoá – xã hội tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

1. Tăng trưởng kinh tế

Dự kiến cả năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh đạt 54.690 tỷ đồng, tăng 6,11% so với năm 2013. Trong đó:

– Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo giá so sánh 2010 đạt 3.951,6 tỷ đồng, tăng 3,39% so với năm 2013, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,25 điểm %, riêng ngành nông nghiệp đạt 3.643,5 tỷ đồng, tăng 3,42%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,23 điểm %. Trong sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt đạt kết quả khá. Trong chăn nuôi, những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá sản phẩm giảm (có thời điểm giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất). Những tháng cuối năm, chăn nuôi trên địa bàn tương đối thuận lợi do giá sản phẩm ở mức có lãi cho người chăn nuôi; đồng thời công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, vì vậy đến nay ngành chăn nuôi đang được phục hồi.

– Tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng theo giá so sánh 2010 đạt 27.488,7 tỷ đồng, tăng 5,29% so với năm 2013, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 2,68 điểm %. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 25.837,8 tỷ đồng, tăng 5,07%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 2,42 điểm %. Nhìn chung ngành công nghiệp của tỉnh đang phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh; riêng sản phẩm xe máy (chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp) phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và do điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nên năm 2014 sản lượng xe máy dự kiến giảm so với năm 2013, đây là nguyên nhân chính làm cho khu vực FDI và ngành công nghiệp toàn tỉnh có mức tăng thấp so với năm 2013.

– Tổng giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 của các ngành dịch vụ đạt 11.106,3 tỷ đồng, tăng 8,93% so với năm 2013, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,77 điểm %. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 14.569 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 9,07%; theo giá so sánh 2010 đạt 12.143,8 tỷ đồng, tăng 6,38% so với cùng kỳ, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh là 1,41 điểm %.

Cơ cấu kinh tế năm 2014 của tỉnh Vĩnh Phúc là: Khu vực I: 9,76%; khu vực II: 62,54%; khu vực III: 27,7% (năm 2013 tương ứng là: 10,09%; 63,55% và 26,36%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

a. Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt:

+ Cây hàng năm:

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2014 đạt 95.694 ha, giảm 0,37% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm diện tích do vụ mùa một số diện tích kém hiệu quả nên bà con nông dân không gieo trồng, ngoài ra một số diện tích chuyển sang mục đích khác như làm giao thông, nuôi trồng thủy sản…

+ Cây lâu năm:

– Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.372,1 ha, tăng 0,6% so với năm 2013, trong đó diện tích cây ăn quả là 7.797 ha chiếm 93,13% diện tích các loại cây lâu năm. Cây ăn quả năm nay nhìn chung ổn định, một số diện tích cây trồng thoái hoá kém chất lượng đã được trồng mới bổ sung thay thế.

– Năng suất, sản lượng 1 số loại cây trồng chính: xoài 67,34 tạ/ha, sản lượng đạt 4.486,6 tấn; chuối 247,06 tạ/ha, sản lượng đạt 40.128 tấn; thanh long 94,58 tạ/ha, sản lượng đạt 570 tấn…

* Chăn nuôi: Năm 2014 còn gặp khó khăn, đầu năm giá bán sản phẩm chăn nuôi luôn ở mức thấp, ngoài ra do tâm lý người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh trong cả nước nên các hộ chăn nuôi giảm quy mô chăn nuôi (đặc biệt là gia cầm); cuối năm giá sản phẩm chăn nuôi tăng và có lợi cho người chăn nuôi nên đàn gia cầm đã được khôi phục. Chăn nuôi của Vĩnh Phúc luôn được coi trọng và là thế mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh luôn có những chính sách thúc đẩy chăn nuôi như Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020, hỗ trợ cho phát triển bò sữa, triển khai và hỗ trợ tiêm phòng và phun thuốc khử trùng tiêu độc 2 đợt/năm,…

Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tích cực thực hiện; công tác kiểm dịch, kiểm soát đàn gia cầm giống ở các lò ấp, kiểm dịch gia súc, gia cầm tại gốc được tăng cường; thực hiện đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật… vì vậy năm 2014 chăn nuôi của Vĩnh Phúc không bị ảnh hưởng bởi các dịch bệnh lớn và nguy hiểm như: Cúm gia cầm, LNLM, tai xanh,…

b. Sản xuất lâm nghiệp:

Dự kiến năm 2014, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 655 ha, giảm 13,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rừng sản xuất 614 ha, rừng đặc dụng 21 ha, rừng phòng hộ 20 ha. Diện tích rừng được chăm sóc là 402 ha, đạt 100% KH, giảm 32,09% so với năm trước. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ vẫn được đảm bảo và duy trì với 9.053 ha, hoàn thành KH năm, giảm 4,93% so với năm trước. Sản lượng gỗ khai thác cả năm 2014 đạt 28.187m3­­­­, giảm 4,63%; củi khai thác đạt 51.008 ste, giảm 6,7% so với năm 2013.

Công tác phòng chống cháy rừng tuy đã được các ngành chức năng chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên, song do thời tiết hanh khô những tháng đầu năm và giữa năm nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy rừng, tăng 5 vụ so với năm trước, diện tích cháy 34,4 ha, tăng 26,4 ha, diện tích thiệt hại 14 ha.

c. Sản xuất thuỷ sản:

Năm 2014, thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển, không có dịch bệnh lớn xảy ra, hơn nữa giá thuỷ sản trên thị trường ổn định và ở mức cao, chi phí trong nuôi trồng thủy sản không cao nên bà con tích cực đầu tư cũng như đi vào thâm canh tăng năng suất. Một số hộ tiếp tục nuôi trồng thuỷ sản khác như: ba ba, cá sấu nhưng có diện tích ít.

Diện tích nuôi trồng năm 2014 đạt 6.943 ha, tăng 0,24% so với năm trước và đạt 99,2% kế hoạch năm. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2014 không có nhiều biến động, do các huyện, thị, thành cơ bản đã khai thác hết diện tích có thể nuôi trồng. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện có lợi thế nuôi trồng như: Vĩnh Tường 1.580,0 ha; Yên Lạc 1.353,6 ha; Bình Xuyên 1.149,9 ha… Năm 2014, trong tỉnh có 6 hộ nuôi cá sấu với 59 con đang nuôi và 112 con được bán, giết thịt.

Sản lượng thủy sản năm 2014 dự kiến đạt 19.201 tấn, tăng 3,68% so với năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 17.190 tấn, tăng 3,57%; sản lượng khai thác đạt 2.011 tấn, tăng 4,58% so với cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

Dự kiến cả năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 2,61% so với năm 2013. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 25,10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,79%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng16,07%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,58% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm vẫn gặp khó khăn, chủ yếu trong khâu tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiêp chế biến, chế tạo. Bên cạnh một số sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt như gạch, ngói, linh kiện điện tử… thì thị trường tiêu thụ xe máy vẫn gặp những khó khăn nhất định, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp, kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so cùng kỳ.

4. Bán lẻ hàng hoá và các ngành dịch vụ

Năm 2014, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đã duy trì được sự phát triển. Nhiều đơn vị, cơ sở đã mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá các mặt hàng, phương thức kinh doanh nên kết quả lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ sở lớn kinh doanh có hiệu quả cao, điều này đã giúp cho kinh doanh thương mại và dịch vụ trong tỉnh ngày càng phát triển.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2014 dự kiến đạt 29.505 tỷ đồng, tăng 15,74% so với năm 2013. Trong đó: kinh tế nhà nư­ớc thực hiện đạt 180,7 tỷ đồng, bằng 60,50% so với năm trước; kinh tế cá thể 16.449 tỷ đồng, tăng 16,39%; kinh tế tư nhân 11.340 tỷ đồng, tăng 11,16%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.500 tỷ đồng, tăng 83,52% so với năm 2013. Phân theo nhóm ngành kinh tế, trong năm ngành thương nghiệp bán lẻ thực hiện 25.365 tỷ đồng, tăng 16,85% so với năm trước; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 2.613 tỷ, tăng 7,58% và các ngành dịch vụ tiêu dùng khác thực hiện 1.527 tỷ, tăng 12,52%.

Hoạt động kinh doanh vận tải năm 2014 tuy giảm về khối lượng vận chuyển, luân chuyển nhưng vẫn cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Vận tải hàng hoá đạt 23,39 triệu tấn, bằng 1.536 triệu tấn.km, giảm 1,65% về tấn và giảm 1,95% về tấn.km; vận tải hành khách đạt 20,04 triệu lượt hành khách, bằng 1.338 triệu hành khách.km, giảm 8,28% về hành khách và giảm 8,99% về hành khách.km so năm 2013. Doanh thu vận tải đạt 2.722 tỷ đồng, tăng 7,53% so năm 2013, trong đó doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.374 tỷ đồng, tăng 5,41% và chiếm 87,22% tổng doanh thu vận tải trên địa bàn.

II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Chỉ số giá tiêu dùng

Tháng Mười hai, thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh sôi động hơn để chuần bị cho các dịp lễ tết cuối năm như Noel, Tết Dương lịch…nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, ngày 7/11/2014 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 3257/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân phong phú, đa dạng, lượng cung dồi dào. Nhờ đó hầu hết  giá cả các mặt hàng tương đối ổn định so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,26% so với tháng trước và tăng 1,22% so vớí cùng tháng năm trước. Bình quân cả năm 2014 CPI tăng 4,49% so bình quân năm 2013. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm là do giá một số mặt hàng thiết yếu giảm như: Thực phẩm giảm 0,19%; vật liệu xây dựng giảm 0,57%; nhóm gas và chất đốt giảm 1,64%; xăng dầu giảm 7,14%; hoa tươi giảm 5,22%… Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.

Giá vàng tháng Mười hai giảm nhẹ, chỉ số giá trong tháng giảm 0,24% so với tháng trước; giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.258 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do có biến động tăng nhẹ (tăng 0,43%) so với tháng trước theo mức tăng chung của cả nước; giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.354 đồng/USD.

2. Đầu tư, xây dựng

– Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư: Năm 2014, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, trong đó vẫn coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh để phát triển thuận lợi; đặc biệt là bảo vệ và làm yên tâm các nhà đầu tư khi có sự cố giàn khoan HD 981 của Trung Quốc. Công tác xúc tiến đầu tư tập trung vào các dự án từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN. Tổ chức tiếp và làm việc trên 80 đoàn công tác với gần 400 nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tham gia gian hàng xúc tiến đầu tư công nghiệp tại Hội chợ Vietnam Expo 2014 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phục vụ xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

Tháng 12/2014 đã thực hiện cấp mới 02 dự án, tổng vốn đăng ký 03 triệu USD, tổng diện tích đất dự kiến sử dụng 0,48 ha. Cấp giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn cho 02 dự án, tổng vốn điều chỉnh 11 triệu USD.

Năm 2014 (tính từ 21/12/2013 đến 20/12/2014) cấp mới 45 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 354,65 triệu USD và 12 dự án điều chỉnh, tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 74,8 triệu USD. Tổng cả cấp mới và điều chỉnh năm 2014 là 429,45 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 183 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.091,3 triệu USD, dự kiến sử dụng lao động 51.700 người.

Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI):

Tháng 12/2014 đã cấp GCNĐT cho 04 Dự án, tổng vốn đăng ký 86,68 tỷ đồng, tổng diện tích 10,8 ha. Về cấp giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn, Công ty CP Thép Việt Đức tại KCN Bình Xuyên điều chỉnh tăng 70 tỷ đồng. Chấm dứt hoạt động cho 01 dự án là Công ty CP Thương mại và Đầu tư Vinh Phát. Ghi nhận số điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư lũy kế trên địa bàn tỉnh: 14,91 tỷ đồng.

Năm 2014 (tính từ 21/12/2013 đến 20/12/2014) cấp mới 39 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.789,67 tỷ đồng và 07 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 1.577,6 tỷ đồng. Tổng số cấp mới và điều chỉnh là: 4.297,3 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay (20/12/2014): Toàn tỉnh có 575 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 39.574 tỷ VND.

– Tình hình triển khai dự án: Năm 2014, dự kiến có thêm 55 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tổng số dự án đi vào sản xuất kinh doanh đến hết năm 2014 là 375 dự án, chiếm 49,7% tổng số dự án.

Công tác phát triển và hoàn thiện hạ tầng bên trong hàng rào các khu công nghiệp: Trong năm 2014, UBND tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm tập trung quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành rà soát tình hình đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp. Do đó đã thực hiện được điều chỉnh cục bộ KCN Bá Thiện (đợt 01) phạm vi 54 ha để xây dựng nhà điều hành; giao Chủ đầu tư KCN Tam Dương II khu A và khu B cho Công ty TNHH VITTO-VP và Công ty CP Tập đoàn FLC; tổ chức bàn giao hồ sơ KCN Chấn Hưng cho Công ty CP Tập đoàn FLC tạm thời quản lý; làm việc với tập Đoàn Sumimoto – Nhật Bản nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bình Xuyên II trên phần diện tích quy hoạch điều giảm của KCN Bình Xuyên II do Công ty TNHH Fuchuan làm chủ đầu tư.

– Thu hút các dự án ODA: Công tác vận động, thu hút các dự án ODA được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã chuẩn bị rất kỹ các nội dung tổ chức làm việc trực tiếp và tham gia các diễn đàn, hội thảo,… về chính sách của nhà tài trợ cũng như chính sách của Chính phủ. Đã tổ chức gần 80 buổi làm việc trực tiếp với các đối tác và với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả, đến nay có 03 dự án được nhà tài trợ chấp thuận bằng văn bản (Dự án kiểm soát lũ lụt và quản lý nguồn nước tỉnh Vĩnh Phúc – vốn WB, Dự án phát triển đô thị loại II – thành phố xanh Vĩnh Yên – vốn ADB, Dự án Bệnh viện sản nhi và Trung tâm ung bướu tỉnh Vĩnh Phúc – vốn Hungary); dự kiến số vốn được vay 350 triệu USD.

Hiện nay trên địa bản tỉnh đang triển khai thực hiện 04 dự án sử dụng vốn ODA gồm: Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án phát triển hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc, Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học. Dự kiến năm 2014, giải ngân đạt 48% so với kế hoạch. Nguyên nhân vốn giải ngân đạt thấp là do dự án Hợp phần đường trục Mê Linh (chiếm tỷ trọng vốn cao) khó khăn trong bồi thường GPMB và thủ tục triển khai dự án.

3. Tài chính, tín dụng

Năm 2014, tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quản lý thu, chủ động rà soát từng khoản thu, kiểm tra, thanh tra việc hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm đúng quy định, tăng cường biện pháp chống chuyển giá, xử lý nợ đọng, trốn thuế, kê khai không trung thực các khoản phải nộp NSNN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,… đồng thời khai thác tốt các nguồn thu. Do vậy, dự kiến năm 2014, hầu hết các khoản thu nội địa tăng so với năm 2013 và vượt dự toán đề ra (có 12/13 khoản thu vượt dự toán, chỉ có thu lệ phí trước bạ không đạt dự toán đề ra do số giao dự toán quá cao), đặc biệt có khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu tăng khá như: thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá (tăng 13%) do tiêu thụ ô tô của 2 công ty Toyota và Honda tăng so với năm trước; thu ngoài quốc doanh tăng 2,77 lần làm cho tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với năm 2013. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2014 dự kiến đạt 20.488,5 tỷ đồng, vượt dự toán đề ra, tăng 6,42% so với năm 2013. Chi ngân sách địa phương đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi của tỉnh, dự kiến cả năm đạt 17.212,2 tỷ đồng vượt dự toán và tăng 14% so với năm 2013.

Dịch vụ tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Các Tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các chương trình cho vay và cho vay mới chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo mô hình liên kết áp dụng công nghệ cao, cho vay chuỗi liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng,… Dòng vốn tín dụng được tập trung hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên. Công tác huy động vốn được các ngân hàng triển khai tích cực, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Dự kiến cả năm 2014, huy động vốn tăng 9,7% so năm 2013; tổng dư nợ cho vay tăng 14,2% so năm 2013. Nợ xấu chiếm khoảng 3%.

4. Cân đối thương mại

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 dự kiến đạt 1.413 triệu USD, tăng 36,18% so năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.293 triệu USD, tăng 39,70 %; kinh tế trong nước 119,8 triệu USD, tăng 7,07%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014 đạt 1.955,3 triệu USD, tăng 8,95% so với năm trư­ớc. Trong đó, kinh tế trong nước đạt 114,5 triệu USD, giảm 35,44%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.840,8 triệu USD, tăng13,82% so năm trước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng  chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị hàng nhập khẩu. Cơ cấu giá trị hàng nhập khẩu có sự thay đổi đáng kể.

III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC Y TẾ, VĂN HOÁ VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC

1. Dân số, lao động, việc làm

Dân số bình quân toàn tỉnh năm 2014 dự kiến là 1.041.400 người, tăng 1,16% so với năm 2013. Trong đó, dân số thành thị là 246.900 người chiếm 23,71% tổng số dân và tăng 1,25% so với năm trước; dân số nông thôn là 794.500 người tăng 1,14%; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 621.400 người, tăng 1,34% so với năm 2013. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 614.400 người.

Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tỉnh đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo giai đoạn 2012-2015. Hoàn thiện việc sáp nhập Trung tâm đào tạo nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, sáp nhập Trường Trung cấp kỹ thuật vào Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức. Tổ chức tốt các sàn giao dịch việc làm, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho các lao động đi xuất khẩu, thực hiện chương trình xuất khẩu lao động. Năm 2014 số lao động được giải quyết việc làm vượt kế hoạch đề ra; xuất khẩu lao động tăng cao so với năm 2013. Dự kiến số lao động được giải quyết việc làm năm 2014 đạt 22 nghìn người, giảm 3,3% so với năm 2013 và đạt 104,8% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động 2.000 người, tăng 2,9 lần so với năm 2013.

2. Công tác an sinh xã hội

Hoạt động bảo trợ xã hội, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Các chính sách giảm nghèo được thực hiện đúng theo quy định như: cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, chính sách tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo,… Năm 2014, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn 3,63% giảm 1,3% so với năm 2013 (kế hoạch: giảm còn 4%).

Công tác Bảo hiểm tiếp tục được được quan tâm thực hiện theo Chương trình hành động số 49-CTr/TU của Tỉnh ủy. Chế độ chính sách BHXH, BHYT được giải quyết kịp thời, đúng định mức, đúng đối tượng thụ hưởng. Dự kiến đến cuối năm 2014, tỷ lệ bao phủ người dân có BHYT đạt 67%, tăng 2,2% so với năm 2013.

3. Giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển ổn định theo hướng đổi mới

UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo và ban hành kế hoạch số 4664/KH-UBND ngày 18/8/2014 về thực hiện Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 27/01/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29 Hội nghị TW lần thứ 8 về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư cơ sở vật chất trường học; xây dựng cơ chế xã hội hóa và huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục; phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020; hoàn thành việc sáp nhập 3 Trung tâm dạy nghề vào Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; thực hiện việc đổi mới công tác đào tạo và dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường ngay từ khâu xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch.

Tổng kết năm học 2013-2014, giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển ổn định, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cơ bản được chuẩn hóa và từng bước hiện đại; cơ sở vật chất trường học được đầu tư nâng cấp, nhất là việc mở rộng diện tích đất trường học, tạo điều kiện quan trọng cho các trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục ổn định ở mức cao. Tỷ lệ học sinh xét, thi tốt ở các cấp học đều đạt cao (trên 99,5%). Công tác phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và thực hiện tốt Công tác phổ cập giáo dục được củng cố và duy trì, chất lượng phổ cập mẫu giáo cho trẻ mầm non 5 tuổi tiếp tục được nâng lên, Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 toàn quốc được công nhận đạt phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vào tháng 2/2014.

4. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân

UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngành Y tế đã thực hiện xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ sở y tế cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả và đã có kế hoạch để tiếp tục sắp xếp các trung tâm ở cấp tỉnh vào tháng 01/2015; đã có các giải pháp cho nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế, tinh thần phục vụ người bệnh; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư cho y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân nhân.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn được chủ động kiểm tra, giám sát và tổ chức ngăn ngừa kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã khống chế tốt bệnh sởi, sốt phát ban, tay chân miệng, đau mắt đỏ. Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của virút Ebolla, mặc dù nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào, song cùng với cả nước ngành Y tế của tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chủ động ứng phó có hiệu quả nhất. Ngoài ra, tỉnh đã có kế hoạch và chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực của ngành y tế được tỉnh tập trung quan tâm hơn.

5. Hoạt động văn hoá, thể thao

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá – thông tin được tăng cường. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.

Công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, tổ chức lễ hội truyền thống để chào mừng các ngày lễ của đất nước, của tỉnh diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tiết kiệm, đúng quy định và lành mạnh, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

Các thiết chế văn hoá thể thao gắn với thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được ưu tiên tập trung đầu tư, nhất là 17 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh.

Phát thanh truyền hình, xuất bản các ấn phẩm được quan tâm, cải thiện cả về hình thức và nội dung đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp phần nâng cao dân trí của nhân dân.

6. Tình hình giao thông

Tính đến ngày 15/11/2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 01 vụ tai nạn đường sắt, 47 vụ tại nạn đường bộ), làm 38 người chết và 21 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 4%,  người chết bằng cùng kỳ, số người bị thương giảm 71,4%.

7. Thiệt hại do thiên tai

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, năm 2014, thiên tai đã làm ảnh hưởng đến năng suất 1.077,88 ha lúa và 45,13 ha hoa màu. Do mưa lớn kéo dài, nước ngập sâu, không rút kịp nên đã làm mất trắng 24,43 ha lúa và 114,06 ha hoa màu; 56 ngôi nhà bị  tốc mái, hư hại; 01 công trình phụ bị đổ và 05 công trình phụ tốc mái.

8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Tháng 12, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy 10 ki ốt tại chợ Liên châu – Yên Lạc, thiệt hại ước tính 4 tỷ đồng, nguyên nhân cháy là do có kẻ đốt lửa phá hoại. Như vậy năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ cháy, nổ, làm chết 02 người, 05 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng  60.672 triệu đồng.

Trong tháng Mười hai, các cơ quan chức năng đã phát hiện 02 vụ vi phạm quy định về môi trường. Số vụ vi phạm bị xử lý là 2 vụ với tổng số tiền phạt 133,6 triệu đồng. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã phát hiện 160 vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường, đã xử lý 39 vụ với tổng số tiền phạt  706,250 triệu đồng./.

(Trích từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 của Cục Thống kê tỉnh)

Vân Anh – IPA Vinh Phuc