Thứ Sáu, 03/10/2014 8:14:55 (GMT+7)

Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc 9 tháng đầu năm 2014

Chín tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã tập trung vận động thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, coi đây là kênh quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 4,57% so với cùng kỳ (trong đó: Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,46%, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 1,74% và ngành dịch vụ tăng 8%).

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì được sự ổn định

1.1. Về sản xuất nông nghiệp

– Ngành trồng trọt: Vụ Đông Xuân, sau khi có chính sách hỗ trợ vụ đông, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hỗ trợ sớm, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích; công tác chống hạn vụ xuân được chỉ đạo quyết liệt; công tác phòng trừ sâu bệnh được đặc biệt quan tâm nên kết quả sản xuất vụ đạt khá.

Vụ Mùa: Theo số liệu sơ bộ, toàn tỉnh diện tích gieo trồng giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2013; dự kiến năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu đều tăng cao so với cung kỳ năm 2013 như lúa: năng suất tăng 20,2%, sản lượng tăng 18,6%; ngô: năng suất tăng 16,97%, sản lượng tăng 21,49%; rau các loại:  năng suất tăng 19,16%, sản lượng tăng 23,07%;…

Ước cả năm 2014, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 96 nghìn ha, giảm 0,4% so cùng kỳ. Năng suất lúa ước đạt 56,47 tạ/ha, tăng 8,1% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra, cây ngô đạt 42,81 tạ/ha, tăng 3,76%… Tổng sản lượng thực có hạt ước đạt 39,5 vạn tấn, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2013.

– Ngành chăn nuôi: Trước diễn biến của dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm tại một số tỉnh trên cả nước, để chủ động phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 09/9/2014 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và triển khai vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra những dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

1.2. Sản xuất lâm nghiệp: Do thời tiết thuận lợi nên công tác trồng rừng được đảm bảo, diện tích trồng mới đạt 761 ha, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện đạt kết quả khá. Công tác phòng chống cháy rừng được thực hiện thường xuyên nhưng do thời tiết nắng nóng nên từ đầu năm đến nay đã xảy ra 11 vụ phát lửa, trên 17,6 ha diện tích đất lâm nghiệp, gây thiệt hại 1,45 ha rừng.

1.3. Sản xuất thuỷ sản: tiếp tục được quan tâm, phần lớn diện tích nuôi trồng là quảng canh và quảng canh cải tiến với hình thức nuôi hỗn hợp, đã có những ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống cá mới có năng suất, chất lượng như cá rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp, chép lai 3 máu, chim trắng, ba ba, trê lai… một số hộ nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích nuôi trồng ước đạt 6,99 ngàn ha, đạt 99,9% kế hoạch và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 13.476 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng cá đạt 12,5 nghìn tấn, sản lượng thủy sản khác đạt 1,03 nghìn tấn.

2. Sản xuất công nghiệp

Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn đã có dấu hiệu hồi phục, tăng trưởng sản xuất như:  Ô tô các loại tăng 14,65%; gạch ốp lát tăng 8,31%; điện thương phẩm tăng 16,03%; nước uống tăng 7,9% so với cùng kỳ… Tuy nhiên, do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và do điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nên sản phẩm xe máy (đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp) có sụt giảm (giảm 11,27%)… do đó làm cho chỉ số phát phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 4,16% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 12,08%; công nghiệp chế tạo, chế biến giảm 4,34%; công nghiệp sản xuất tập trung và phân phối điện nước tăng 15,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải tăng 6,21% so với cùng kỳ.

3. Các lĩnh vực dịch vụ duy trì được sự tăng trưởng, đáp ứng tốt cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn vẫn có sự phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 23,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ, đạt 65,3% kế hoạch. Mặt bằng giá cả thị trường ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm tăng 5,43% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động tìm kiếm những đơn hàng mới, mở rộng thị trường, một số mặt hàng đạt cao như hàng điện tử (tăng 92,4%), giày dép các loại (tăng 57%), chè xuất khẩu (tăng 17,4%)… do vậy ước tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,01 triệu USD, tăng 44,5% so cùng kỳ và đạt 87,9% kế hoạch. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1,42 triệu USD, tăng 16,1% so cùng kỳ và đạt 70,5% kế hoạch.

Kinh doanh du lịch tăng khá, đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch được tăng cường; các nội dung, chương trình xúc tiến quảng bá nhằm thu hút khách của tỉnh được tích cực triển khai; khai thác có hiệu quả các điểm du lịch Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải,… nên số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng cao so cùng kỳ; ước 9  tháng đầu năm 2014, đã đón 2,33 triệu lượt khách, tăng 73% so cùng kỳ và đạt 81% kế hoạch; doanh thu du lịch ước đạt 829,6 tỷ đồng, tăng 39 % so với cùng kỳ và đạt 82% so với kế hoạch.

Dịch vụ vận tải tăng trưởng thấp. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng lần lượt là 2,2% và 3,4%. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách lần lượt là 0,8% và 0,2%. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, chất lượng các dịch vụ được nâng lên, các dịch vụ tiện ích được cung cấp đa dạng, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông – Internet ước đạt 930 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ và bằng 80,9% kế hoạch.

Dịch vụ tín dụng ngân hàng đảm bảo cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay đã được các tổ chức tín dụng quan tâm.

4. Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN do địa phương quản lý 8 tháng đầu năm đạt 4.952,462 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương kế hoạch giao đầu năm là 3.318 tỷ đồng.

Khối lượng thực hiện đạt 3.128,8 tỷ đồng (bằng 63,1% kế hoạch) tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Giải ngân đạt 2.709,7 tỷ đồng (bằng 55% so với kế hoạch) và tăng 7% so với cùng kỳ. Phê duyệt quyết toán 213 dự án, gói thầu, hạng mục tăng 18% so với cùng kỳ với tổng giá trị quyết toán 1.735 tỷ đồng, thông qua thẩm tra đã tiết kiệm 17,3 tỷ đồng, giảm 1% so với giá trị chủ đầu tư trình.

Về thẩm định dự án, cấp tỉnh đã thẩm định 68 dự án, tăng 28 dự án so với cùng kỳ, thông qua thẩm định đã cắt giảm 119,622 tỷ đồng, bằng 8,02% so với mức đầu tư do chủ đầu tư trình; cấp huyện, cấp xã thẩm định 85 dự án, giảm 8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, cấp tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư cho 26 dự án với tổng mức đầu tư bổ sung thêm là 276 tỷ đồng (trong đó riêng dự án nhà hát tỉnh bổ sung 256 tỷ đồng) và cấp huyện, cấp xã điều chỉnh, bổ sung 25 dự án với giá trị duyệt tăng thêm là: 22,9 tỷ đồng.

Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong đầu tư xây dựng cơ bản, đã tiến hành 36 cuộc (33 cuộc theo kế hoạch và 03 cuộc đột xuất) tại 85 đơn vị, phát hiện 20 đơn vị có vi phạm, tổng số phát hiện vi phạm về kinh tế gần 7,2 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi cho nhà nước gần 3,4 tỷ đồng, loại khỏi giá trị quyết toán 3,8 tỷ đồng.

Các cấp, các ngành đã tích cực trong việc rà soát, phân loại nợ XDCB và thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm thanh toán dứt điểm nợ đọng trong XDCB, theo đó, nợ đọng trong XDCB ở các cấp, các ngành tính đến 30/4/2014 đã giảm từ 4.509 tỷ đồng xuống còn 2.977 tỷ đồng, trong đó: Trung ương nợ 21,1 tỷ đồng; cấp tỉnh nợ: 1.174 tỷ đồng, cấp huyện nợ: 611,5 tỷ đồng, NS xã nợ và nguồn khác: 1.170,5 tỷ đồng.

5. Thu ngân sách tăng khá so cùng kỳ, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ của tỉnh

Tám tháng đầu năm 2014, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá do hầu hết các khoản thu nội địa đều tăng cao so cùng kỳ năm 2013, nhất là thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 22,6%), ước tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14.054,5 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán năm và tăng 15,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 12.050,3 tỷ đồng, bằng 83,7% dự toán năm, tăng 20,8% so với cùng kỳ (riêng thu từ khu vực FDI ước đạt 10.388,7 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán, tăng 22,6% so với cùng kỳ); thu thuế xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đạt 1.757,7 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán, giảm 15,6% so với cùng kỳ. (Tính đến thời điểm 20/9/2014 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14.539,3 tỷ đồng, bằng 81,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 12.405,5 tỷ đồng, bằng 86,1% dự toán năm)

Tổng chi ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tính đến thời điểm 20/9/2014 đạt 7.655,0 tỷ đồng, đạt 80% so dự toán. 

6. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp

6.1. Tình hình thu hút đầu tư:

Chín tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã tập trung vận động thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, coi đây là kênh quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Tổ chức tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phục vụ xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin.

Kết quả 9 tháng đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 64 dự án, trong đó 30 dự án DDI, với số vốn đầu tư đăng ký là 4.147,8 tỷ đồng (bao gồm: 2.657,4 tỷ đồng đăng ký mới và 1.490,4 tỷ đồng đăng ký điều chỉnh bổ sung) so với cùng kỳ: tăng 1,66 lần về số dự án, bằng 68,6% về vốn đăng ký; so với kế hoạch: đạt 200% về dự án, đạt 276,5% về vốn đăng ký và 34 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 277,5 triệu USD (bao gồm: 235,5 triệu USD đăng ký mới; 42 triệu USD điều chỉnh bổ sung tăng) so với cùng kỳ: tăng 2,26 về dự án, tăng 47,1% về vốn đăng ký; so với kế hoạch: đạt 226,7% về dự án, đạt 154,2% về vốn đăng ký (KH: 180 triệu USD).

Luỹ kế đến hết 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 739 án đầu tư còn hiệu lực gồm: 172 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 2.938,9 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 1.479,5triệu USD, đạt 50,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và 567 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 38.102,2 tỷ đồng vốn thực hiện ước đạt 16.574 tỷ đồng, đạt 43,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

6.2. Tình hình triển khai dự án: Chín tháng đầu năm 2014, có thêm 35 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 15 dự án DDI và 20 dự án FDI), nâng tổng số dự án đi vào sản xuất kinh doanh đến hết tháng 9 năm 2014 là 370 dự án (gồm 130 dự án FDI và 230 dự án DDI), chiếm 48,7% tổng số dự án. Còn lại 379 dự án đang triển khai xây dựng, san nền, bồi thường, GPMB, một số dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư đang triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng,… Ngoài ra, đã làm thủ tục chấm dứt hoạt động cho 06 dự án, gồm: 04 dự án DDI với tổng vốn đăng ký là 585,66 tỷ đồng và 02 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 0,576 triệu USD.

6.3. Tình hình triển khai các khu công nghiệp:

Chín tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định thu hồi 327 ha đất đã giao cho Công ty TNHH Quản lý và Phát triển hạ tầng Compal (VN) và giao Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý làm chủ đầu tư, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN trên diện tích 54,02 ha đất để thu hút dự án đầu tư. Hiện nay đã có 06 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 02 dự án đăng ký thuê đất để đầu tư vào khu công nghiệp này. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2014, Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bình Xuyên II (Công ty TNHH Fuchuan) đã thực hiện điều chỉnh QHCT giai đoạn 1 giảm quy mô đầu tư từ 481,5 ha xuống 45,63 ha, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 13,9 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 8,46 triệu USD.

Ngoài ra, Chủ đầu tư hạ tầng KCN Tam Dương II – khu A là Công ty TNHH VITO-VP đã được UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 892,8 tỷ đồng, hiện nay đã có 02 nhà đầu tư đăng ký đầu tư với tổng diện tích khoảng 70ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.266 tỷ đồng. Đối với KCN Tam Dương II – khu B, quy mô 185 ha, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư để xây dựng kinh doanh hạ tầng, hiện chủ đầu tư đang nghiên cứu, điều chỉnh lại quy hoạch làm cơ sở tổ chức lập dự án và hồ sơ cấp Giấy Chứng nhận đầu tư theo quy định.

7. Phát triển doanh nghiệp dân doanh và chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước

– Tình hình kinh tế trong và ngoài nước phục hồi chậm, niềm tin kinh doanh chưa cao nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, ước 9 tháng có 329 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 2.064 tỷ đồng, so với cùng kỳ số lượng giảm 21,3% và số vốn giảm 20%. Số doanh nghiệp không còn hoạt động, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh còn cao (1.354 doanh nghiệp, chiếm 24,5%). Có 35 doanh nghiệp giải thể, tăng 29,6% so cùng kỳ.

– Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được triển khai tích cực. Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các bước xác định lại giá trị doanh nghiệp đối với Công ty Thương mại tổng hợp Vĩnh Phúc để chuyển đổi sang các hình thức khác cho phù hợp; thực hiện chuyển công ty TNHH Thẩm định giá và dịch vụ tài chính thành công ty cổ phần (Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ) và triển khai xây dựng kế hoạch thí điểm chuyển đổi Trung tâm, đơn vị sự nghiệp có thu sang công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần giai đoạn 2014-2015.

8. Công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh.

Công tác đo đạc bản đồ phục vụ giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chú trọng. Các cấp, các ngành đang tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã được duyệt và cấp xã đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai đúng pháp luật, toàn tỉnh đã thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất được 151 hồ sơ, với tổng diện tích là 786,0 ha; ký hợp đồng thuê đất cho 122 tổ chức, doanh nghiệp (giảm 20,3% so cùng kỳ) với diện tích 1.790,6 ha và phê duyệt 41 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng tiện tích đất là 82 ha. Toàn tỉnh đã cấp 217 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 93 tổ chức có mục đích sử dụng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với tổng diện tích 179,47 ha và 384 giấy chứng nhận cho các tổ chức có mục đích sử dụng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và cấp được 12.950 Giấy chứng nhận với tổng diện tích 434,34 ha cho các hộ gia đình cá nhân, so với cùng kỳ số Giấy chứng nhận đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân tăng 84,8% và tăng 13,05% đối với các tổ chức.

Các hoạt động quản lý địa chất, khoáng sản tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm; các điểm nóng về khai thác cát, sỏi, đất san lấp trái phép trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động khoáng sản từng bước đi vào nề nếp. Quản lý tài nguyên nước được chú trọng, các cấp các ngành đang từng bước cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 135/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của HĐND tỉnh về Quy hoạch tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn 07 huyện, thành phố: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn được tăng cường, tổ chức truyền thông hưởng ứng các sự kiện môi trường (Giờ trái đất, ngày trái đất, ngày đất ngập nước …), tổ chức hội thi sáng tạo các sản phẩm từ vật liệu thải bỏ, trưng bày các sản phẩm tái chế tại các siêu thị BigC và Co.opMark… tăng cường công tác thẩm định hồ sơ về môi trường và đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án như: các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, dự án xây dựng bể Bastaf, dự án xử lý nước thải khu dân cư tập trung, dự án bảo vệ môi trường sông Phan, lò đốt rác thải bằng khí tự nhiên ở các huyện,… gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

9. Về công tác quy hoạch: Chín tháng đầu năm, công tác lập mới, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch được tích cực thực hiện.

– Quy hoạch xây dựng được triển khai tích cực, đã hoàn thành 03 đồ án Quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam, phía Tây đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc; Công bố và bàn giao hồ sơ QHCT KCN Tam Dương II khu A (khu vực 1) và khu B (khu vực 2 và 3), quy hoạch chung đô thị Tam Hồng, Tân Tiến; triển khai QHCT KCN Sông Lô 1 và Lập Thạch 1; tiếp tục hoàn thiện 10/15 đồ án quy hoạch phân khu, trong đó có 04 đồ án có chuyên gia tư vấn nước ngoài tham gia; hoàn thành Đề án phân loại đô thị và đề nghị công nhận các đô thị loại V tỉnh Vĩnh Phúc; Đề án xây dựng thành phố Vĩnh Yên lên đô thị loại II; Quy hoạch chất thải rắn; triển khai thực hiện các Quy hoạch: QHCT các khu đất cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê; Quy hoạch cấp nước, thoát nước đô thị Vĩnh Phúc; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – giai đoạn 3; Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch Tam Đảo 1; Đồ án lập quy hoạch chung khu du tích danh thắng Tây thiên và Đồ án QHCT khu du lịch hồ Đại Lải…

– Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực: 9 tháng đầu năm 2014, hoàn thiện và phê duyệt một số quy hoạch như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat giai đoạn 2014 – 2020 tầm nhìn 2030; Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020; Quy hoạch phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn 7 huyện, thành phố,… Triển khai lập các quy hoạch như: Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống tượng đài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014 – 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch Văn thư, lưu trữ;…

– Quy hoạch sử dụng đất: Tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã.

II. VỀ LĨNH VỰC VĂN HÓA – XÃ HỘI.

1. Giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển ổn định theo hướng đổi mới

Tổng kết năm học 2013-2014, giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển ổn định, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cơ bản được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hoá.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và duy trì; kết quả tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT là 70,8%, vào bổ túc THPT và nghề là 23,15% (tăng 3,75% so với năm 2013), còn lại khoảng từ 2% đến 6% không theo loại hình học tập nào mà tham gia lao động, làm nghề tại các địa phương hoặc theo gia đình làm ăn xa. Đối với học sinh sau THPT tỷ lệ vào Đại học, Cao đẳng là 63,01%, vào Trung học chuyên nghiệp là 13,7%, vào học Nghề là 14,74%, số còn lại đợi thi lại Đại học, Cao đẳng năm sau hoặc lao động sản xuất mà chưa được đào tạo nghề.

2. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đặc biệt quan tâm

Ngành Y tế đã thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế, tinh thần phục vụ người bệnh; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư cho y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân nhân.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn được chủ động kiểm tra, giám sát và tổ chức điều trị kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã khống chế tốt bệnh sởi, sốt phát ban, tay chân miệng, đau mắt đỏ. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của virút Ebolla, mặc dù nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào, song cùng với cả nước ngành Y tế của tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh do virus Ebola và chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì thường xuyên, 9 tháng đầu năm đã kiểm tra 3.650 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng là 2.555 (đạt tỷ lệ 70%). Các cơ sở vi phạm đã tiến hành xử lý theo quy định. Công tác dân số, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được triển khai một cách tích cực và đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

3. Hoạt động văn hoá – thể thao được tổ chức rộng khắp

Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, đảm bảo phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tinh thần của nhân dân nhất là trong dịp Tết nguyên đán và các ngày lễ lớn trong năm như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tên ” Chiến thắng Điện Biên – bản hùng ca bất diệt”; Liên hoan văn nghệ công nhân, viên chức, lao động tỉnh năm 2014; Kỷ niệm 69 năm ngày Quốc khánh 2/9 và chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 với chủ đề “Âm vang khúc hát mùa thu”… Đặc biệt Cuộc thi “Người đẹp Tây Thiên 2014” với chủ đề “Duyên sắc Tây Thiên” lan tỏa giá trị truyền thống, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Vĩnh Phúc tới bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, mừng các ngày lễ lớn được tổ chức rộng rãi, thu thút được đông đảo nhân dân tham gia như: Đại hội Thể dục thể thao lần thứ IV năm 2014, Giải Cầu lông Cúp Báo Lao động năm 2014 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam phối hợp với Báo Lao động tổ chức…

4. Công tác giải quyết lao động, việc làm được duy trì, an sinh xã hội được đảm bảo

Chín tháng đầu năm 2014, tỉnh đã hoàn thiện việc sáp nhập Trung tâm đào tạo nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, sáp nhập Trường Trung cấp kỹ thuật vào Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức. Tổ chức tốt các sàn giao dịch việc làm, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho các lao động đi xuất khẩu. Ước 9 tháng đầu năm 2014 số lao động được giải quyết việc làm đạt 16.117 người, tăng 58,1% so cùng kỳ và đạt 76,7% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động 1.143 người, tăng 877 người so với cùng kỳ đạt 114,3% kế hoạch. Tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp nhìn chung ổn định, lao động yên tâm sản xuất.

Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh quan tâm. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo…tiếp tục được triển khai thực hiện. Hoạt động bảo trợ xã hội, giảm nghèo được chú trọng.

Vân Anh - IPA Vĩnh Phúc