Thứ Ba, 30/06/2015 9:56:37 (GMT+7)

Tình hình Kinh tế – Xã hội 6 tháng đầu năm 2015

Tháng 06/2015 đã thực hiện cấp mới GCNĐT cho 01 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 10 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 07 dự án, tổng vốn đầu tư tăng thêm 33,547 triệu USD; thu hồi GCNĐT của 03 dự án, ghi nhận giảm tổng vốn đầu tư 224 triệu USD. Tính từ 21/12/2014 đến 22/06/2015 đã cấp mới GCNĐT cho 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 163,43 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 12 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 52,75 triệu USD, chấm dứt hoạt động 05 dự án với tổng số vốn đầu tư 226,62 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 193 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.080,85 triệu USD.

Về phát triển Kinh tế:

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá

Uớc GTSX (giá ss 2010) đạt 5.291,6 tỷ đồng, đạt 57,9% KH năm, tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngành trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm Vụ Đông Xuân ước tăng 1,9% so với cùng kỳ. Năng suất lúa vụ Xuân 2015 tuy có giảm so với cùng kỳ, song vẫn là vụ được mùa, năng suất lúa ước đạt 59,56 tạ/ha, đạt 98% kế hoạch vụ, giảm 1,3% so cùng kỳ. Mặc dù năng suất lúa vụ xuân giảm, nhưng do năng suất cây ngô và nhất là diện tích cây ngô đông tăng cao so với cùng kỳ nên sản lượng lương thực có hạt ước tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt nên trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra. Theo kết quả điều tra 1/4/2015, quy mô tổng đàn bò, đàn lợn và gia cầm tăng, đặc biệt đàn bò sữa tăng 99,14%

Sản xuất công nghiệp – xây dựng

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ở cả 3 khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá, ước giá trị sản xuất (giá ss2010) toàn ngành tăng 5,91% so cùng kỳ, trong đó: khu vực nhà nước tăng 3%, ngoài nhà nước tăng 2,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,65%. Hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ như Ô tô các loại, gạch ốp lát, gạch xây dựng,… Riêng xe máy các loại ước giảm 10,1% so với cùng kỳ (do thị trường tiêu dùng xe máy suy giảm).

Hoạt động xây dựng có chuyển biến tích cực, nên giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh ước tăng 2,33% so với cùng kỳ và đạt 44% kế hoạch.

Các ngành dịch vụ

Sáu tháng đầu năm, các ngành dịch vụ đều tăng khá so với cùng kỳ nhất là các ngành thương mại, dịch vụ lưu trú và ăn uống… ước giá trị sản xuất (giá ss2010) ngành dịch vụ tăng 8,86% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,14% so cùng kỳ và đạt 50,6% kế hoạch. Công tác quản lý thị trường có  nhiều chuyển biến tích cực. Giá cả thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,25% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều duy trì được lượng hàng và đầu ra ổn định, một số mặt hàng có mức tăng cao đột biến như nguyên phụ liệu sản xuất giày dép, xe máy và linh kiện xe máy.

Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, tăng khá so với cùng kỳ cả về doanh thu, khối lượng luân chuyển và vận chuyển. Hoạt động du lịch trên địa bàn sôi động ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt tỉnh đã tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác khu di tích danh thắng Tây Thiên, Nhà hát và Quảng trường Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đã thu hút lượng khách lớn đến du lịch Vĩnh Phúc.

Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, nhất là các dịch vụ bưu chính mới đã đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Dịch vụ tín dụng ngân hàng tiếp tục đáp ứng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tổng nguồn vốn huy động ước tăng 11,8% so cùng kỳ; tổng dư nợ ước tăng 14% so cùng kỳ và tăng 2,67% so cuối năm 2014, tuy nhiên mức tăng vẫn thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2014 (6 tháng đầu năm 2014: tăng 15,4% so cùng kỳ và tăng 8,3% so cuối năm 2013); tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ lệ 2,55% trên tổng dư nợ.

Về đầu tư phát triển

Thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng cao so cùng kỳ ở tất cả các nguồn vốn, ước tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 10,523 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% và đạt 52,6% kế hoạch.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là khi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015 với nhiều thay đổi trong quản lý đầu tư và xây dựng; trong khi chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.

Công tác bồi thường – giải phóng mặt bằng được triển khai tích cực, 6 tháng đầu năm 2015 đã giải phóng xong một số công trình quan trọng như: Đầu cầu Việt Trì QL2 tại xã Việt Xuân và Bồ Sao; đường song song đường sắt tuyến phía Bắc (từ đường Kim Ngọc đến bến xe Vĩnh Yên); khu A khu Công nghiệp Tam Dương 2;… tuy nhiên nhìn chung tiến độ GPMB vẫn triển khai chậm hơn so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến 10/6/2015, Tỉnh đã phân bổ vốn cho 1.271 dự án/công trình, giảm 423 dự án so với cùng kỳ, với tổng nguồn vốn phân bổ là 5.286,15 tỷ đồng; Kế hoạch đầu năm nguồn vốn còn lại để phân bổ sau là 431,738 tỷ đồng, đã trình phân khai chi tiết tổng số 413,8 tỷ đồng (trong đó đã có quyết định phân khai 143,871 tỷ đồng). Nguyên nhân chưa phân khai: do một số dự án dự kiến đầu tư từ nguồn vốn trên đến nay đều chưa đủ thủ tục XDCB để phân bổ.

– Tình hình thực hiện đầu tư xây dựng nguồn NSNN do địa phương quản lý, với nguồn vốn tập trung cho dự án hoàn thành và chuyển tiếp, vì vậy khối lượng hoàn thành 6 tháng đầu năm đạt khá, ước đạt 2.850 tỷ đồng bằng 47,7% kế hoạch và tăng 1% so với cùng kỳ. Giải ngân ước đạt 2.733 tỷ đồng, bằng 45,8% kế hoạch và tăng 30,5% so với cùng kỳ, đây là 6 tháng đầu năm giải ngân cao nhất trong 4 năm trở lại đây (giải ngân 6 tháng đầu năm từ năm 2011 đến năm 2014 so với kế hoạch lần lượt đạt: 35,48% – 35,5% – 45% – 45,1%)

Công tác quản lý chất lượng công trình được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời uốn nắn, nhắc nhở hoặc xử lý các chủ đầu tư vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo các quy định; qua kiểm tra đã tạm dừng thi công 01 công trình; nghiệm thu đưa vào sử dụng 25 công trình.

Công tác quyết toán vốn đầu tư tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt sau khi thực hiện Thông báo kết luận số 1644-TB/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy, đã công bố danh sách chủ đầu tư, nhà thầu chậm quyết toán trên đài PTTH, báo Vĩnh Phúc và cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc; tính đến 29/6/2015 số dự án/hạng mục công trình chậm lập báo cáo quyết toán đã giảm từ 2.237 xuống còn 1.059 dự án.

Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản: việc xử lý nợ đọng XDCB được các cấp quan tâm, chủ động thực hiện, do đó số nợ đọng XDCB đã giảm từ 4.509,2 tỷ đồng (năm 2013) xuống còn 1.871,2 tỷ đồng (thời điểm 30/5/2015), trong đó: NS tỉnh nợ: 537,8 tỷ đồng, ngân sách huyện nợ 325,0 tỷ đồng, NS xã và nguồn khác nợ 1.008,4 tỷ đồng.

– Về thực hiện các dự án trọng điểm: Năm 2015, tổng nguồn bố trí cho các công trình trọng điểm là 1.050 tỷ đồng (đây là số vốn bố trí đầu năm cao nhất cho các dự án trọng điểm trong những năm qua), nhìn chung các dự án đều triển khai tích cực. Ước khối lượng thực hiện đạt 410 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch; giải ngân là: 490 tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch.

Thu – chi ngân sách nhà nước: Ước 6 tháng đầu năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.590 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa đạt 10.180 tỷ đồng, đạt 53% so dự toán, tăng 20% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 6.043,8 tỷ đồng, đạt 49% so dự toán, bằng 97% so cùng kỳ (Chi tiết có báo cáo riêng).

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và tình hình giải ngân vốn ODA

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): tháng 06/2015 đã thực hiện cấp mới GCNĐT cho 01 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 10 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 07 dự án, tổng vốn đầu tư tăng thêm 33,547 triệu USD; thu hồi GCNĐT của 03 dự án, ghi nhận giảm tổng vốn đầu tư 224 triệu USD. Tính từ 21/12/2014 đến 22/06/2015 đã cấp mới GCNĐT cho 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 163,43 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 12 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 52,75 triệu USD, chấm dứt hoạt động 05 dự án với tổng số vốn đầu tư 226,62 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 193 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.080,85 triệu USD.

Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI): tháng 6/2015 đã thực hiện cấp mới GCNĐT cho 05 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.411,06 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn đầu tư cho 01 dự án, vốn điều chỉnh giảm 2,3 tỷ đồng. Tính từ 21/12/2014 đến 22/06/2015 đã cấp mới GCNĐT cho 31 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.332 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 01 dự án với tổng số vốn tăng 145 tỷ đồng, điều chỉnh giảm vốn cho 01 dự án với tổng số vốn giảm: 2,3 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động 08 dự án với tổng số vốn đầu tư 1.148,72 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 594 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 44.493,2 tỷ VND.

– Về tình hình vận động và giải ngân vốn ODA: Tỉnh đã tập trung vận động và chuẩn bị văn kiện cho 06 dự án lớn, với tổng vốn vận động dự kiến khoảng 400 triệu USD. Trong đó, 03 dự án sử dụng nguồn vốn WB, ADB và OFID dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ vào quý III/2015.

Về tình hình giải ngân vốn ODA: Ước 6 tháng đầu năm giải ngân đạt 482 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ước đạt 9,8 tỷ vốn đối ứng đạt 14% so với kế hoạch, vốn ODA ước đạt 469,8 tỷ đồng đạt 293% kế hoạch. (vốn giải ngân đạt cao chủ yếu do dự án Cải thiện môi trường đầu tư đã giải quyết xong nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện).

Phát triển doanh nghiệp và hoạt động của các hợp tác xã

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vì vậy sáu tháng đầu năm số doanh nghiệp đăng ký mới tuy tăng về số lượng (tăng 7,1%) song số vốn đăng ký giảm so cùng kỳ (giảm 8,6%); có 16 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục giải thể, thu hồi đăng ký kinh doanh, giảm 15,8% so cùng kỳ; ngoài ra đã có 40 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi tạm dừng hoạt động. Lũy kế, đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh có 68,2% doanh nghiệp đang hoạt động và 31,8% doanh nghiệp đã đăng ký nhưng không hoạt động, tạm dừng kinh doanh.

Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được tập trung triển khai theo đúng kế hoạch. Hiệu quả hoạt động của HTX Nông nghiệp còn hạn chế do thiếu sự năng động, sáng tạo trong khâu quản lý, điều hành. Việc huy động vốn phát triển sản xuất còn khó khăn,… Các hợp tác xã phi nông nghiệp nhìn chung phát triển ổn định.

Về lĩnh vực Văn hóa – Xã hội

Giáo dục – đào tạo có bước phát triển theo hướng đổi mới. Năm học 2014-2015, đội ngũ giáo viên các cấp được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn các bậc học đều tăng so năm học trước. Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị học tập được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 72%, tăng 4%, tiểu học đạt 91%, tăng 2,6%, THCS đạt 65%, tăng 9% và bậc THPT đạt 38%, tăng 2,8%. Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững, 99,99% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình theo yêu cầu mới, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,4%; có 381 học sinh, sinh viên đạt giải trong các cuộc thi cấp quốc gia và khu vực.

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Cải thiện chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh ở cả 3 tuyến và tiếp tục ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Thường xuyên quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bệnh Mers-Cov (Mớt – cô vi) tại một số nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh theo dõi sát sao, chủ động để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Quản lý nhà nước về văn hoá – thông tin, thể thao, phát thanh và truyền hình được duy trì và phát triển 

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Văn hoá – thể thao được tăng cường. Công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện tiêu biểu của đất nước, của tỉnh được diễn ra sôi nổi. Tỉnh đã tổ chức đăng cai thành công Giải Việt dã Báo Tiền phong lần thứ 56 và hưởng ứng Lễ phát động ngày chạy Olimpic Việt Nam năm 2015. Lập hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di sản Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích danh thắng Tây Thiên và Chùa – Tháp Bình Sơn; đặc biệt trò chơi Kéo Soong (Hương Canh) được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nhiều hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp; tham gia nhiều giải thi đấu quốc tế và quốc gia đạt kết quả cao.

Hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh – truyền hình đã bám sát định hướng và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ đề trọng tâm, nhất là tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng các cấp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp phần nâng cao dân trí, nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân

Công tác giải quyết lao động – việc làm tiếp tục được đẩy mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo

UBND tỉnh đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về giải quyết việc làm và giảm nghèo từ đó đề xuất xây dựng Nghị quyết mới thay thế; chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch việc làm, các chương trình xuất khẩu lao động… 6 tháng ước giải quyết việc làm cho 10,5 nghìn lao động, đạt 89,2% so cùng kỳ và đạt 47,8% kế hoạch, trong đó riêng xuất khẩu lao động là 570 người (tăng 18% so với cùng kỳ và đạt 57% kế hoạch).

Chế độ, chính sách cho các đối tượng được thực hiện nghiêm theo quy định; tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà tới đúng các đối tượng chính sách. Hoạt động Bảo trợ xã hội và giảm nghèo được đặc biệt chú trọng, đã giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 1.588 lao động; cấp 10.317 giấy chứng nhận hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo ở các xã khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số; thực hiện cấp 55 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người hưởng chế độ, người có công, cựu chiến binh và thanh niên xung phong.

(Trích từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc 06 tháng năm 2015 của Cục Thống kê tỉnh và Báo cáo nhanh kết quả thu hút đầu tư trực tiếp 06 tháng năm 2015 của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư)

Vân Anh - IPA Vĩnh Phúc