Thứ Ba, 19/07/2016 8:31:54 (GMT+7)

Thêm một số chính sách mới được chính phủ và các bộ ngành ban hành có hiệu lực từ tháng 7/2016

Thêm một số chính sách mới được chính phủ và các bộ ngành ban hành có hiệu lực từ tháng 7/2016

  1. Hướng dẫn thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Bộ LĐTBXH vừa ban hành Công văn 2533/LĐTBXH-ATLĐ hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ TNLĐ, BNN theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 (Luật  ATVSLĐ 2015) như sau:

a, Đối tượng đang hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hoặc bị TNLĐ, BNN điều trị xong ra viện trước 01/7/2016

– Thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn về TNLĐ, BNN ban hành trước 01/7/2016.

– Thanh toán chi phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Điểm b, Khoản 1, Điều 45 Luật bảo hiểm xã hội 2014 nếu kết luận của Hội đồng giám định y khoa từ 01/01/2016 đến 01/7/2016 đủ điều kiện hưởng chế độ.

b, Đối tượng bị TNLĐ, BNN điều trị xong ra viện từ 01/7/2016 trở đi

– Về điều kiện, mức hưởng, hồ sơ và thời hạn giải quyết hưởng chế độ thực hiện theo Điều 45, 46, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 57, 58, 59, 60 và 61 Luật  ATVSLĐ 2015.

– Thanh toán chi phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Khoản 1, Điều 42 của Luật  ATVSLĐ 2015 nếu kết luận của Hội đồng giám định y khoa từ 01/7/2016 trở đi đủ điều kiện hưởng chế độ.

Xem chi tiết tại Công văn 2533/LĐTBXH-ATLĐ ngày 07/7/2016.

  1. Chậm đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp: Phạt đến 15 triệu

Đây là nội dung quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Đồng thời, doanh nghiệp vi phạm buộc phải đăng ký thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định với hành vi nêu trên.

Ngoài ra, Nghị định này còn có những quy định đáng chú ý khác, như là:

– Phạt từ 10 – 20 triệu đồng nếu không đăng ký thay đổi với với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.

– Hộ kinh doanh thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng; đồng thời buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2016.

  1. Điều kiện để được vận chuyển chất độc hại, lây nhiễm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 để quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo đó, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Phải có giấy phép điều khiển phương tiện phù hợp với loại phương tiện ghi trong giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và còn hiệu lực.

– Phải có một trong các chứng nhận đào tạo sau:

+ Được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

+ Được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn hóa chất hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm khác còn hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền cấp.

+ Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất.

Nghị định 60/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

4.Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Theo Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2016, Hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ đầu tư phát triển các loại kết cấu hạ tầng sau:

– Trụ sở làm việc.

– Sân phơi, nhà kho, cửa hàng vật tư nông nghiệp.

– Xưởng sơ chế, chế biến.

– Công trình điện, nước sinh hoạt, chợ.

– Công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp.

– Công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản.

Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 25/7/2016.

Thùy Dương – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)