Những chính sách mới có hiệu lực từ 01/7/2016
Từ ngày 01/7/2016, rất nhiều chính sách mới đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành ban hành chính thức có hiệu lực.
1. Điều kiện để được nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng
Theo Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015, thì thiết bị đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Tuổi thiết bị không quá 10 năm.
– Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam (TCVN) hoặc phù hợp tiêu chuẩn các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đối với các thiết bị đã qua sử dụng thuộc dự án đầu tư (bao gồm mới và mở rộng) như dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư và dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư:
– Nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng, được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCNĐT thì không áp dụng điều kiện nêu trên.
– Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể lấy ý kiến thẩm định công nghệ của cơ quan chuyên môn về KHCN đối với thiết bị này trong hồ sơ dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp GCNĐKĐT.
Đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng: chỉ được nhập khẩu khi DN sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đang được vận hành tại DN. DN sản xuất có thể tự nhập khẩu hoặc ủy quyền cho DN khác nhập khẩu.
Lưu ý: trường hợp cần thiết và tùy thuộc đặc thù các ngành, lĩnh vực được phân công, các Bộ có thể yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn điều kiện nêu trên.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2016
2. Tăng thuế suất tài nguyên từ 01/7/2016
Cụ thể:
– Đối với nhóm khoáng sản kim loại:
Sắt (từ 12% lên 14%), Măng-gan (từ 11% lên 14%), Ti-tan (từ 11% lên 18%), vàng (tăng từ 15% lên 17%), đất hiếm (từ 15% lên 18%), bạch kim, bạc, thiếc (từ 10% lên 12%), vonfarm, antimoan (từ 18% lên 20%), chì, kẽm (từ 10% lên 15%)…
– Đối với nhóm khoảng sản phi kim loại:
Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình (từ 4% lên 7%), đá, sỏi, đá nung vôi và sản xuất xi măng (từ 7% lên 10%), đá hoa trắng (từ 9% lên 15%), cát (từ 11% lên 15%), cát làm thủy tinh (từ 13% lên 15%), kim cương (từ 22% lên 27%)…
– Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp (từ 8% lên 10%).
– Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện (từ 4% lên 5%).
– Nước dưới đất dùng cho sản xuất nước sạch (từ 3% lên 5%).
– Nước dưới đất dùng cho mục đích khác (từ 5% lên 8%).
Căn cứ Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 và Thông tư 12/2016/TT-BTC ngày 20/01/2016.
3. Những điểm mới về chính sách thuế
Từ ngày 1/7/2016, Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, Luật này sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý thuế.
Luật bổ sung quy định, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người neo đơn, yếu thế trong xã hội.
Luật cũng sửa đổi quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ lũy kế sau ít nhất 12 tháng hoặc ít nhất sau 4 quý, thay vào đó doanh nghiệp được kết chuyển số thuế giá trị gia tăng chưa khấu trừ hết (không hoàn) để khấu trừ vào số thuế giá trị gia tăng kỳ sau nhằm bảo đảm phù hợp với bản chất của thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục trong kê khai khấu trừ và nộp, hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, Luật còn sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật Quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay khi lãi suất cho vay ngân hàng đã giảm về mức 8%-9%/năm.
4. Luật an toàn, vệ sinh lao động
So với nội dung an toàn, vệ sinh lao động của Bộ luật lao động năm 2012, Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ; ngoài các quy định về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, còn quy định về tổ chức công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Theo Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người lao động có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc theo yêu cầu công việc của người sử dụng lao động;
+ Trên đường đi làm hoặc đi về trong quãng đường và thời gian hợp lý.
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động thuộc một trong các trường hợp trên.
Đồng thời, theo Luật này thì hàng tháng người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng tiền vào Quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Mức đóng tối đa bằng 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc