Thứ Bảy, 06/03/2021 21:42:32 (GMT+7)

Nghị định 10/2021/NĐ-CP: Rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp xây dựng

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, có hiệu lực từ 09/2/2021, được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, sẽ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Theo đó, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có hiệu lực thi hành từ ngày 09/2/2021 nhằm thay thế Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về những điểm mới được bổ sung, sửa đổi.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được ban hành không chỉ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, mà còn giúp giảm thiểu những chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính, chỉ tính riêng tại Bộ Xây dựng, với công tác thẩm định thời gian qua, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 2,33 – 4,83% tổng mức đầu tư; tỷ lệ cắt giảm dự toán sau thẩm định khoảng từ 3,74 – 4,3% giá trị đề nghị thẩm định.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao - Ảnh minh họa

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao – Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, kết quả thẩm định tại các địa phương cũng góp phần giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tổng số hồ sơ dự án thực hiện sửa đổi sau khi thẩm định giảm còn 40%, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 1,29 – 4,25% tổng mức đầu tư…

Đánh giá về Nghị định mới này, ông Nguyễn Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn VIDEC cho biết, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với dự toán gói thầu xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng liên quan đến việc mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định hoặc yêu cầu thẩm tra dự toán xây dựng công trình…

Cũng theo ông Dũng, quy định giao chủ đầu tư thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án… đã được lược bỏ, bổ sung sẽ làm giảm thiếu thủ tục và giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.

Những quy định bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được đánh giá chi tiết hơn Nghị định số

Những quy định bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được đánh giá chi tiết hơn Nghị định số 68/2019/NĐ-CP – Ảnh minh họa

Liên quan đến những quy định tại Nghị định mới, các chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP tiếp tục có thêm nhiều điểm được bổ sung và quy định chi tiết hơn so với Nghị định 68/2019/NĐ-CP, trong đó, những chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng, về chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gồm: Chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước, chi phí bồi thường khác theo quy định. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tái định cư, tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; sử dụng đất, thuê đất trong thời gian xây dựng, chi phí di dời…

Thông tin với báo chí, chuyên gia Lê Thu Hiền – Hội Kế toán hành nghề Việt Nam đánh giá, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP có nhiều nội dung chi tiết hơn, đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, như quy định về chi phí thiết bị cũng rất cụ thể như, chi phí mua sắm thiết bị xác định theo khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị từ thiết kế, danh mục thiết bị trong dự án được phê duyệt và giá mua thiết bị tương ứng; chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ dự án; chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thuế và chi phí khác có liên quan được xác định bằng dự toán do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành…

Còn theo Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức PPP… Đồng thời, sửa đổi quy định về phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn, như vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách và vốn khác sang vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Nguồn: enternews.vn