Học tập kinh nghiệm thực tế về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam
Được phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Văn bản số 3377/UBND-NC1 ngày 25/6/2013, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Đoàn cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 29/6/2013 đến ngày 01/7/2013.
Tỉnh Quảng Nam nằm ở Vùng KTTĐ miền Trung, có diện tích hơn 10.437 km2, dân số gần 1,5 triệu người, gồm 02 thành phố Tam Kỳ và Hội An và 16 huyện. Đến cuối tháng 12/2012 toàn tỉnh có 3.235 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 44 doanh nghiệp nhà nước, 43 FDI và 3.148 doanh nghiệp dân doanh. Mấy năm qua kinh tế Quảng Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ cao: gần 13% năm 2011, năm 2012 tăng 11,6%, sáu tháng đầu năm 2013 sơ bộ tăng 10,92%. Quảng Nam luôn có vị trí xếp hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): năm thấp nhất 26/63 (2010), năm cao nhất 11/63 (năm 2011); năm 2012 ở vị trí 15/63 trong cả nước. Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam (IPA Quang Nam) có đóng góp quan trọng vào Cải thiện môi trường đầu tư và Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Nam.
Qua trao đổi, chia sẻ thông tin trực tiếp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, Đoàn cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam, cụ thể:
Một là, yêu cầu cam kết tiến độ và ký quỹ bảo đảm đầu tư để sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án.
Đối tượng ký quỹ là các Dự án hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, kinh doanh bất động sản du lịch; Dự án sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư XD kết cấu hạ tầng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn; Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN; Dự án ngoài KCN, CCN đã có Chủ đầu tư hạ tầng có quy mô sử dụng đất 10ha trở lên; Dự án thủy điện và Dự án khác tùy theo tình hình do cấp huyện thực hiện…
Mức tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được xác định theo diện tích đất sử dụng, địa bàn đầu tư hoặc công suất thiết kế tùy thuộc vào loại dự án.
Cơ quan tổ chức ký cam kết tiến độ và ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư là IPA Quang Nam (Dự án thủy điện, Dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh trừ Khu kinh tế mở, KCN, Khu đô thị mới); Khu kinh tế mở, Khu kinh tế cửa khẩu; UBND cấp huyện (theo phạm vi quản lý). Đơn vị tiếp nhận tiền ký quỹ là Quỹ đầu tư Phát triển Quảng Nam.
Hai là, việc gắn kết, thống nhất từ phía cơ quan Nhà nước trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động:
Tỉnh Quảng Nam có sự chỉ đạo thống nhất từ UBND tỉnh, yêu cầu các cơ quan có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch. Tài liệu cho các hoạt động xúc tiến đều được thống nhất. Đặc biệt hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại được coi là một hoạt động không thể tách rời, cuối năm 2012 tỉnh Quảng Nam đã sáp nhập Trung tâm thông tin và xúc tiến thương mại vào IPA Quang Nam thành Phòng trực thuộc.
Ba là, không tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo quy mô lớn toàn tỉnh mà theo quy mô nhỏ phù hợp nên rất hiệu quả:
Hàng năm vào dịp ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, tỉnh Quảng Nam chỉ tổ chức tôn vinh doanh nghiệp mà không tổ chức đối thoại vào ngày này. Các hoạt động đối thoại doanh nghiệp diễn ra thường xuyên quy mô phù hợp như quy mô doanh nghiệp trên địa bàn hành chính cấp huyện, quy mô theo nhóm ngành nghề, tổ chức đối thoại riêng với các doanh nghiệp FDI, theo từng chủ đề như lao động, đất đai, thuế,… IPA Quang Nam được giao chủ trì tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Tính chủ động từ phía cơ quan Nhà nước tỉnh Quảng Nam trong hỗ trợ doanh nghiệp thể hiện bằng hành động cụ thể là: Chủ động, kịp thời tuyên truyền, công khai minh bạch những chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh và những nội dung liên quan đến doanh nghiệp, đến môi trường đầu tư, kinh doanh; Chủ động tiếp cận, gặp gỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, thay vì chờ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tự tìm đến cơ quan chính quyền.
Bốn là, thống nhất chính sách một giá trong bồi thường giải phóng mặt bằng:
Tỉnh Quảng Nam nhất quán chính sách “một giá” trong BT-GPMB. Đối với các dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp cần mặt bằng thì Nhà nước thống nhất chỉ đạo thực hiện. Trường hợp nhà đầu tư có hỗ trợ cho người dân (mức hỗ trợ và kinh phí giải phóng mặt bằng được xem xét, áp dụng theo từng dự án cụ thể) thì đều phải thống nhất và thông qua chính quyền cấp huyện để triển khai. Do vậy nhà đầu tư không tùy tiện đưa ra mức hỗ trợ, không gây xung đột về lợi ích giữa các dự án khác nhau, thuận lợi trong công tác BT-GPMB.
Năm là, cơ quan chuyên trách về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phải có năng lực và vị thế đủ mạnh mới hoàn thành nhiệm vụ được giao:
Là cơ quan thuộc UBND tỉnh nên IPA Quang Nam có vị thế trong các quan hệ phối hợp với các sở ngành, địa phương của tỉnh Quảng Nam khi tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; hơn nữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng Ban IPA Quang Nam trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ, yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện. Tuy vậy công việc chủ yếu vẫn do Phó Trưởng Ban trực tiếp chỉ đạo điều hành. Đội ngũ CC, VC, LĐHĐ của IPA Quang Nam tuy tỷ lệ thành thạo về ngoại ngữ còn hạn chế nhưng nhìn chung có kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc