Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021
Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện; tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; sửa đổi biểu thuế xuất nhập nhẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021.
Quy định mới về công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu khoa học.
Có hiệu lực từ ngày 1/12/2021, Nghị định 86/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước; quyền và trách nhiệm của công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Sửa đổi hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Có hiệu lực từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP ban hành ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, Nghị định sửa đổi hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, có 4 hình thức bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô
Có hiệu lực từ ngày 5/12/2021, Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ban hành ngày 21/10/2021 của Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.
Theo đó, phối hợp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: Quy hoạch xây dựng; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý đất đai; quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải; bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.
Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện
Nghị định 93/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.
Trong đó, Nghị định quy định các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quy định mới về mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Có hiệu lực từ ngày 23/12/2021, Nghị định 97/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính phủ sửa đổi quy định về mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau:
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ cơ sở hạt nhân), doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận. Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) tỉ lệ phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này”.
Đối với cơ sở hạt nhân, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Sửa đổi biểu thuế xuất nhập nhẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Việc ban hành 101/2021/NĐ-CP nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, bảo vệ và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; và đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Nghị định trên, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB; các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB; các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Theo Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia có hiệu lực từ ngày 9/12/2021, thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan; thông tin hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan; thông tin, thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng gồm thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác; thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ;…
Quy định mới về phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch công chức, viên chức
Thông tư 92/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021.
Thông tư nêu rõ, người đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi hoặc xét tuyển công chức, viên chức tham gia tuyển dụng; công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo thông báo triệu tập của hội đồng tuyển dụng hoặc hội đồng thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
So với quy định hiện hành tại Thông tư 228/2016/TT-BTC, mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức quy định tại Thông tư 92 không thay đổi, nhưng có bổ sung mức thu phí trường hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV.
Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển
Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 30/3/2026, Thông tư 18/2021/TT-BTNMT quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó, Thông tư quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển 6 hải lý và vùng biển liên vùng. Theo đó, mức thu tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm là 20.000 đồng/m3.
Mức thu tiền sử dụng khu vực biển để làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoáng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ: 7.500.000 đồng/ha/năm;…/.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc