Thứ Năm, 12/01/2017 10:25:16 (GMT+7)

Chính sách mới có hiệu lực trong tháng 1-2017 (Phần 1)

Chính sách mới có hiệu lực trong tháng 1-2017 (Phần 1)

  1. Phí cấp lại biển số là 100 nghìn đồng

Theo Thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, áp dụng từ 1/1, các mức phí cấp mới, cấp đổi được giữ nguyên như trước đây, riêng trường hợp giấy đăng ký hoặc biển số bị mất, chủ phương tiện muốn được cấp lại phải đóng phí 100.000 đồng.

Việc cấp lại chỉ áp dụng với trường hợp giấy đăng ký hoặc biển số bị mất.

  1. 9 lỗi vi phạm giao thông bị phạt từ 2017

Hành vi không làm thủ tục sang tên xe khi mua, được cho, tặng, thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự bị phạt 100.000-200.000 đồng.Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, những vi phạm sau sẽ bị xử phạt từ 1/1:

Người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%… bị phạt 2.000.000-3.000.000 đồng.

  1. Một số quy định mới về nộp thuế môn bài năm 2017

Nghị định quy định về lệ phí môn bài 139/2016/NĐ-CP ngày 4-10-2016 có hiệu lực từ 1-1-2017, trong đó quy định 7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

  1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
  2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
  4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
  5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
  6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
  7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban dân tộc.

Về mức thu lệ phí môn bài áp dụng từ 01/01/2017 như sau:

Đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:

Có vốn điều lệ/ vốn đầu tư > 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;Có vốn điều lệ/ vốn đầu tư ≤ 10 tỷ đồng: 2.000.000 đồng/năm; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:

Có doanh thu > 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm; Có doanh thu 300 < a ≤ 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm. (Trong đó: a là doanh thu);Có doanh thu 100 < a ≤ 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Nghị định 139/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, bãi bỏ Nghị định 75/2002/NĐ-CP và Điều 18 Nghị định 83/2013/NĐ-CP.

  1. Lệ phí trước bạ 10% đối với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống:

    Theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày10/10/2016 về lệ phí trước bạ có hiệu lực từ 1/1/2017, mức thu lệ phí trước bạ 2% đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, các loại xe tương tự.Riêng, ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.

    Ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

  2. Tăng lương tối thiểu vùng từ 180.000 – 250.000 đồng/tháng

Theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14-11-2016 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ 1-1-2017, lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được điều chỉnh tăng thêm 180.000-250.000 đồng/tháng, tức là sẽ ở mức 2,58-3,75 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu được tăng theo từng vùng cụ thể như sau:

Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với năm 2016);

Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng/tháng so với năm 2016);

Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng/tháng so với năm 2016);

Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng so với năm 2016).

Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của nghị định này).

Nghị định cũng nhấn mạnh, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
6. Phí dịch vụ môi trường rừng, nước thải

Có hiệu lực từ 1/1/2017, Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số  điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Một trong những nội dung sửa đổi là điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch. Theo sửa đổi, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3.

Có hiệu lực từ 1/1/2017, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu phí, các trường hợp miễn phí, người nộp phí, mức thu, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Nghị định quy định rõ mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

7. Quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách; quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước…

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (tổng hợp)