Chính sách có hiệu lực thi hành trong tháng 11/2016 (Phần 3)
- Quy định mới về quản lý và trích khấu hao tài sản cố định
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngày 13/10/2016 cơ quan này đã ban hành Thông tư 147/2016 /TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC: hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Theo đó, Thông tư 147/2016 /TT-BTC có một số điểm đáng chú ý sau:
– Tài sản cố định (TSCĐ) dùng cho thuê, bán không được trích khấu hao.
– Tài sản là nhà hỗn hợp vừa sử dụng làm tài sản hoạt động của doanh nghiệp vừa để bán, để cho thuê thì phải tách riêng và chỉ được hạch toán TSCĐ, đưa vào chi phí khấu hao phần tài sản doanh nghiệp sử dụng;
– Nếu tài sản dùng hỗn hợp không tách riêng được phần TSCĐ cho thuê, bán thì toàn bộ tài sản đó không được hạch toán TSCĐ, không được trích khấu hao, tức không được công nhận chi phí khấu hao hợp lý.
Bổ sung về phân loại TSCĐ hữu hình, cụ thể:
Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc: là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường sá, cầu cống, đường sắt, đường băng sân bay, cầu tầu, cầu cảng, ụ triền đà.
Loại 2: Máy móc, thiết bị: là toàn bộ các loại máy móc, thiết bị dùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, giàn khoan trong lĩnh vực dầu khí, cần cẩu, dây chuyền công nghệ, những máy móc đơn lẻ.
Loại 3: Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn: là các loại phương tiện vận tải gồm phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường không, đường ống và các thiết bị truyền dẫn như hệ thống thông tin, hệ thống điện, đường ống nước, băng tải, ống dẫn khí.
Loại 4: Thiết bị, dụng cụ quản lý: là những thiết bị, dụng cụ dùng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng, máy hút ẩm, hút bụi, chống mối mọt.
Loại 5: Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm: là các vườn cây lâu năm như vườn cà phê, vườn chè, vườn cao su, vườn cây ăn quả, thảm cỏ, thảm cây xanh…; súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm như đàn voi, đàn ngựa, đàn trâu, đàn bò…
Loại 6: Các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác.
Loại 7: Các loại tài sản cố định khác: là toàn bộ các tài sản cố định khác chưa liệt kê vào sáu loại trên.
Thông tư 147/2016 /TT-BTC quy định TSCĐ đầu tư từ vốn Nhà nước (TSCĐ loại 6 được quy định tại Khoản 2 Điều 1) không phải trích khấu hao; thanh lý, nhượng bán đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và giá bán, thanh lý đều nộp thăng vào Ngân sách Nhà nước.
Thông tư 147/2016 /TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2016 và được áp dụng từ năm tài chính 2016.
- Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu với DNNN cổ phần hóa
Từ ngày 01/11/2016, Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (DNNN) sẽ có hiệu lực. Theo đó:
– DNNN khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) phải gắn việc đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Sở Giao dịch chứng khoán đồng thời với việc đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần.
– Doanh nghiệp CPH phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần trong 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá.
– Kết quả bán cổ phần phải kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.
– Ban Chỉ đạo CPH ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp CPH ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần.
- Bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương
Bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 23/2016/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 26/11/2016).
- Thông tư 20/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép giai đoạn đến hết 2020 và giai đoạn từ 2021 đến hết 2025, gồm các công đoạn sản xuất: Thiêu kết quặng sắt; Luyện gang lò cao; Luyện thép lò chuyển, luyện thép lò điện hồ quang, lò cảm ứng; Cán thép.
Cụ thể, định mức tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp thép đến hết 2020 và giai đoạn từ 2021 đến hết 2025 lần lượt như sau: Thiêu kết quặng sắt: 2.350 MJ/tấn và 1.960 MJ/tấn; Sản xuất gang bằng lò cao: 14.000 MJ/tấn và 12.400 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò chuyển (lò thổi): 150 MJ/tấn và 100 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò điện hồ quang: 2.600 MJ/tấn và 2.500 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng: 2.600 MJ/tấn và 2.500 MJ/tấn; Cán nóng thép dài: 1.650 MJ/tấn và 1.600 MJ/tấn; Cán nguội thép tấm lá: 1.600 MJ/tấn và 1.500 MJ/tấn.
Để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng đến 2025, Thông tư yêu cầu: Suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép không vượt quá định mức tiêu thụ năng lượng ở trên; Trường hợp suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng với từng giai đoạn thì cơ sở sản xuất phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo các yêu cầu quy định; Suất tiêu hao năng lượng (SEC) của dự án đầu tư mới hoặc dự án cải tạo mở rộng không được vượt quá Định mức tiêu hao năng lượng từ 2021 đến hết 2025.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thép, gồm: Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50.001 cho đơn vị và thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư thấp như thay thế thiết bị đơn lẻ có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn; Các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư cao như thay thế các cụm thiết bị có hiệu suất năng lượng tốt hơn hoặc thay đổi công nghệ; Khuyến khích áp dụng các giải pháp cải thiện nâng cao hiệu suất năng lượng quy định tại Thông tư số 20.
Thông tư 20/2016/TT-BCT có hiệu lực ngày 08/11/2016.
- Quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời Cảng biển, Cảng thủy nội địa, Cảng dầu khí ngoài khởi thông qua cơ chế một cửa quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 34/2016/QĐ-TTg quy định thủ tục điện tử áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016. Trong đó đáng chú ý:
a. Chứng từ điện tử, chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử và ngược lại
Theo Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg, chứng từ điện tử được khai báo hoặc xuất trình thông qua Cơ chế một cửa quốc gia có thể được chuyển đổi từ chứng từ giấy nếu:
– Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy.
– Có chữ ký số đã được đăng ký tham gia Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Còn chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng nhận điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia thì theo Quyết định 34/2016/QĐ-TTg phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ điện tử.
– Có dấu hiệu nhận biết trên chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử được in ra từ Cổng thông tin một cửa quốc gia.
– Có chữ ký, họ tên và con dấu hợp pháp của người chuyển đổi.
b. Thủ tục điện tử đối với tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa
– Quyết định 34/2016/QĐ-TTg quy định các chứng từ phải khai báo thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và các chứng từ phải nộp, xuất trình.
– Theo Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra chứng từ và làm thủ tục cho tàu biển.
Việc cấp phép điện tử được thực hiện như sau: Chậm nhất 02 giờ kể từ khi nhận được xác báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu, cảng vụ cấp lệnh Điều động điện tử; chậm nhất 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử theo quy định, cảng vụ gửi thông báo xác nhận hoàn thành thủ tục cho người làm thủ tục.
Ngoài ra, Quyết định 34 còn hướng dẫn thủ tục điện tử đối với: Tàu biển xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa; quá cảnh; tàu biển xuất, nhập cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; tàu biển hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa; phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia xuất, nhập cảnh.
c. Đảm bảo vận hành Cơ chế một cửa quốc gia
– Tổng cục Hải quan đảm bảo vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia 24 giờ/7 ngày/tuần. Hệ thống thông tin Cổng thông tin một cửa quốc gia kết nối với Tổng cục Hải quan và hệ thống thông tin nghiệp vụ của các bộ.
– Cơ quan quản lý nhà nước tại cảng vận hành hệ thống thông tin nghiệp vụ kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia 24 giờ/7 ngày/tuần.
- Mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg về mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Theo Quyết định, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sau khi điều chỉnh có tổng diện tích là 15.929,8 ha.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được tổ chức thành các khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan; khu cửa khẩu; khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Khu kinh tế hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật về Khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.Việc bảo đảm đầu tư kinh doanh đối với các nhà đầu tư do thay đổi ranh giới địa lý theo quy định tại Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật đầu tư năm 2014 và Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 15/11/2016./.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc