Chính sách có hiệu lực thi hành trong tháng 11/2016 (Phần 1)
- Hỗ trợ người trồng rừng
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc được quy hoạch là rừng sản xuất được hỗ trợ 8 triệu đồng/ha nếu trồng các loại cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây đa mục đích, cây bản địa; 5 triệu đồng/ha với các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha); riêng với các xã biên giới, các tỉnh Sơn Lai, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Nguyên được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha.
Mức chi hỗ trợ cho công tác khuyến lâm; khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng và mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình lần lượt là 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); 300.000 đồng/ha và 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100 ha trở lên…
Quyết định 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/11 quy định.
- Không miễn, giảm tiền thuê đất
Nghị định 135/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11.
Theo đó, từ ngày 15/11, không áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp người trúng đấu giá thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất khi giao đất cho các đối tượng thuộc diện chính sách cải thiện nhà ở được thực hiện theo quy định có liên quan và không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Cũng từ ngày 15/11, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất từ 30 tỉ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; 10 tỉ đồng trở lên với các tỉnh miền núi, vùng cao và từ 20 tỉ đồng với các tỉnh còn lại sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định.
- Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50% tiền sử dụng đất
Từ 15/11, khi được phép bán lại nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư, người bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; 100% tiền sử dụng đất nếu nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề.
Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Thông tư 139/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người mua, thuê mua được phép bán lại nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 15/11.
- Định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất bia
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2016, Thông tư 19/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát trong giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Cụ thể, đến hết năm 2020, định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp sản xuất bia có quy mô công suất dưới 20 triệu lít; từ 20 triệu lít đến 100 triệu lít và trên 100 triệu lít lần lượt là 306 MJ/hl; 215 MJ/hl và 140 MJ/hl. Đối với ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát có ga hoặc cả hai loại sản phẩm có ga và không có ga, định mức tiêu hao năng lượng là 55 MJ/hl; 111 MJ/hl nếu chỉ sản xuất nước giải khát không có ga (trừ nước tinh khiết và nước khoáng).
Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025, định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp sản xuất bia dưới 20 triệu lít; từ 20 triệu lít đến 100 triệu lít; trên 100 triệu lít và ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát không có ga; có ga hoặc cả hai loại sản phẩm có ga và không có ga lần lượt là 286 MJ/hl; 196 MJ/hl; 129 MJ/hl và 107 MJ/hl; 52 MJ/hl.
Cơ sở không đạt định mức tiêu hao năng lượng tại thời điểm quy định và không đưa ra được các kế hoạch khả thi để đảm bảo các định mức theo lộ trình nêu trên sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.
- Áp dụng C/O điện tử theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
Theo Thông tư 22/2016/TT-BCT về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, C/O điện tử được xây dựng theo “Hướng dẫn Thực hiện thông điệp và Đặc tả xử lý C/O mẫu D ATIGA điện tử” và được truyền theo phương thức điện tử giữa các Nước thành viên thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.
C/O điện tử có hiệu lực pháp lý tương đương C/O giấy; có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy.
Về kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O điện tử: tiến hành kiểm tra tương tự như C/O giấy; được chấp nhận, được xác minh là được khai đầy đủ và xác thực theo hình thức điện tử.
Về lưu trữ, duy trì dữ liệu hồ sơ C/O: các bên liên quan (Người sản xuất và/hoặc xuất khẩu; Tổ chức cấp C/O) phải lưu trữ chứng từ/hồ sơ đề nghị cấp C/O trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp/ ngày cấp.
Thông tư 22/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày15/11/2016, bãi bỏ Thông tư 21/2010/TT-BCT và Thông tư 42/2014/TT-BCT.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc