Thứ Tư, 01/09/2021 14:15:16 (GMT+7)

Tổ chức tài chính Quốc tế IFC làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 16/8/2021, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành liên quan họp trực tuyến với Tổ chức tài chính Quốc tế IFC, trao đổi về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp và logistics của tỉnh.

Tổ chức tài chính Quốc tế IFC làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành liên quan họp trực tuyến với Tổ chức tài chính Quốc tế IFC

Tham dự buổi làm việc có đại diện các sở ngành: Sở Công Thương; Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban quản lý các Khu công nghiệp; Nhóm công tác của IFC gồm: Bà Phạm Liên Anh – Cán bộ cao cấp, Chủ nhiệm chương trình CMA Việt Nam – IFC; Bà Nguyễn Nguyệt Anh – Cán bộ Chương trình – IFC; bà Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; Các thành viên khác của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.

Trong thời gian tới, IFC sẽ khởi động dự án tư vấn hỗ trợ Việt Nam nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất thông qua nâng cao hiệu quả logistics và cải thiện tính bền vững. Để khởi động dự án, IFC tổ chức thu thập các đóng góp của các địa phương nhằm xác định các hoạt động “nâng cao hiệu quả logistics thông qua việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư”. Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số các địa phương đầu tiên IFC tiến hành khảo sát, trao đổi và thu thập thông tin.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành của tỉnh đã chia sẻ, cung cấp thông tin với IFC về tình hình đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp và phát triển logistics tại Vĩnh Phúc và định hướng phát triển trong tương lai.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 6,4 tỷ USD, có trên 800 dự án DDI với số vốn đăng ký gần 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo với các lĩnh vực chính là cơ khí và điện tử.

Tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch 19 khu công nghiệp với diện tích gần 6.000 ha. Tính đến tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 12 khu công nghiệp đã thành lập (trong đó: có 10 khu công nghiệp đã được cấp GCNĐT/GCNĐKĐT); đã có 08/12 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất quy hoạch là 2.338,52 ha, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 52%. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Mạng lưới giao thông đối nội (hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, giao thông nông thôn) kết nối với mạng lưới giao thông đối ngoại (hệ thống đường liên tỉnh, đường quốc gia) đã và đang được tỉnh đầu tư, nâng cấp. Hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển đã và đang được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển.

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngày 12/11/2020 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho Liên doanh của 03 Nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, YCH Group Pte Ltd (Singapore) và YCH Holdings (Pte) Ltd (Singapore) triển khai dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, trên diện tích đất sử dụng khoảng 83,078 ha để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động trong vòng 50 tháng kể từ ngày được quyết đinh chủ trương đầu tư trong đó giai đoạn 1 bắt đầu hoạt động từ Quý III/2022 và giai đoạn 2 từ Quý IV/2024.

Được đánh giá là một trong những trung tâm logistics ICD có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Bắc, dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ giữ vai trò là điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực. Đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu; trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai, các luồng hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và là nơi lưu trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng cho các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang.

Với ví trị chiến lược đặt tại Vĩnh Phúc, cùng với Trung tâm điều hành thông minh, cảng cạn ICD sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng và dễ dàng vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, đường sắt, cũng như chuyển hàng tới các cảng biển và sân bay trong khoảng thời gian tối thiểu. Từ đó góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế  khác, đồng thời hình thành Trung tâm đào tạo với các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như của cả khu vực, tích cực thúc đẩy sản xuất công nghiệp và mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện IFC cảm ơn các cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ những thông tin hữu ích cho nhóm nghiên cứu. Các thông tin và những gợi ý của tỉnh Vĩnh Phúc trong buổi làm việc giúp nhóm nghiên cứu có được bức tranh thực tế về logistics của tỉnh, làm cơ sở để nhóm tiếp tục làm việc với các địa phương khác, bổ sung dữ liệu thực hiện dự án./.

Nguyễn Hoàng Nam (Bài và ảnh)