Thứ Sáu, 23/10/2015 7:56:50 (GMT+7)

Lễ trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản

Chiều 22/10/2015, tại trụ sở HĐND-UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh tổ chức Lễ trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho Tập đoàn Sumitomo – Nhật Bản.

Lễ trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Nam.

Dự buổi Lễ trao Giấy Chứng nhận đầu tư, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Chúc – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng Lãnh đạo các cơ quan: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, Huyện ủy Bình Xuyên, UBND huyện Bình Xuyên, UBND các xã: Thiện Kế, Tam Hợp; về phía Tập đoàn Sumitomo có Ngài Akito Shiraishi, Tổng Quản lý Ban KCN Hải ngoại của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cùng một số đại diện của Tập đoàn và Công ty TNHH Sumitomo Việt Nam.

Tập đoàn Sumitomo bắt đầu khởi nghiệp là một cửa hàng bán dược phẩm và sách tại Kyoto vào năm 1630. Trải qua 400 năm hình thành và phát triển, giờ đây Sumitomo là một trong những Tập đoàn lớn nhất tại Nhật Bản, kinh doanh tổng hợp bao gồm hầu hết các ngành từ tài chính ngân hàng, sắt thép, thông tin, thiết bị toàn bộ, hoá học, dầu khí, đầu tư… Đặc biệt với tổng thu nhập hàng năm lên tới gần 200 triệu USD, Tập đoàn Sumitomo là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện tại Tập đoàn có 135 trụ sở ở 66 quốc gia trên thế giới với 74.638 nhân viên, cùng nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản. Ở Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo đã có hai KCN là Thăng Long I ở Hà Nội và Thăng Long II ở Hưng Yên (chỉ riêng KCN Thăng Long II giai đoạn I hiện đã thu hút được 45 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 12 nghìn lao động). Để tiếp nối sự thành công của 02 khu công nghiệp ở thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản quyết định đầu tư KCN thứ 3 tại Việt Nam.

Sau hơn 30 tháng tìm hiểu, nghiên cứu, điều tra, khảo sát đánh giá rất kỹ các yếu tố, điều kiện và xã hội ở khoảng 20 địa điểm tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Vĩnh Phúc, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã đi đến quyết định hợp tác với Công ty TNHH Sumitomo Việt Nam đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc tại địa bàn thuộc 2 xã Thiện Kế và Tam Hợp (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) với diện tích 213 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 135 triệu USD, thời gian thực hiện dự án trong 50 năm. Các ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư vào KCN Thăng Long, Vĩnh Phúc là ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên các dự án có công nghệ kỹ thuật cao, tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực sau: Sản xuất các loại động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; Nghiên cứu và phát triển (R&D); Sản xuất phụ kiện Điện tử, sản phẩm bán dẫn; các sản phẩm công nghệ cao; Sản xuất máy tính và phần mềm, phần cứng; Sản xuất dược phẩm; các sản phẩm cơ khí chính xác; máy móc; Sản xuất các sản phẩm thuộc công nghệ sinh học, điện gia dụng; các thiết bị giao thông vận tải v.v.. Dự kiến khi hoàn thành, sẽ thu hút được 79 dự án đầu tư vào KCN, số vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD; tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới; thu nộp ngân sách hằng năm khoảng 5.000 tỷ đồng. Ngay sau khi được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, Tập đoàn sẽ triển khai thực hiện giai đoạn I với tổng diện tích 94,5ha, vốn đầu tư 70,1 triệu USD, thời gian thực hiện trong 18 tháng.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, nhờ có định hướng phát triển đúng đắn, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nên tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến tin cậy, thành công của các nhà đầu tư. Đến nay tỉnh đã thu hút được 202 dự án FDI, vốn đăng ký trên 3,25 tỷ USD, trong đó Nhật Bản có 26 dự án, vốn đăng ký gần 800 triệu USD, dẫn đầu về vốn thực hiện trong số 15 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc. Đồng chí cũng đánh giá cao các dự án của Nhật Bản về tính hiệu quả, về công nghệ, thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội cao và có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, việc quyết định đầu tư KCN Thăng Long Vĩnh Phúc là kết quả của sự nghiên cứu kỹ lưỡng, quyết tâm cao của Tập đoàn Sumitomo. Vì thế, đồng chí hy vọng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ là Khu công nghiệp kiểu mẫu, tiêu biểu tại Vĩnh Phúc, và mong muốn nhà đầu tư sẽ triển khai xây dựng Dự án đúng tiến độ, tạo hình ảnh mới về hạ tầng phát triển công nghiệp của tỉnh, đồng thời tạo bước chuyển mới trong thu hút các dự án đến từ Nhật Bản, để tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu của Nhật Bản trong đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Cảm ơn sự quan tâm của tỉnh dành cho Tập đoàn, đặc biệt là đối với Dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, ông Akito Shiraishi, Tổng Quản lý Ban KCN Hải ngoại của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hứa sẽ nỗ lực sớm đưa dự án đi vào hoạt động và phát triển thành công, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng và ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, tại buổi tiếp xã giao ông Akito Shiraishi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đã khẳng định: Việc Tập đoàn Sumitomo đầu tư tại Vĩnh Phúc là thành công lớn của tỉnh sau nhiều nỗ lực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư với các nhà đầu tư tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đã chỉ đạo các Sở, Ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, các thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường và các thủ tục còn lại theo đúng các quy định của Nhà nước Việt Nam. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các Sở, Ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc trong thời gian sớm nhất, giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Các chủ đầu tư, các đơn vị kinh doanh điện, nước, viễn thông sớm triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ngoài hàng rào khu công nghiệp. Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn phía Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản có thể chia sẻ với tỉnh Vĩnh Phúc những khó khăn hiện tại về cơ sở hạ tầng, về các dịch vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Những hạn chế này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nỗ lực khắc phục.

Vân Anh – IPA Vinh Phuc