Thứ Hai, 06/06/2016 9:03:54 (GMT+7)

Chuyện PCI ở Vĩnh Phúc Kỳ 2: Nơi doanh nghiệp là trung tâm

Một trong những dấu ấn thành công của tỉnh Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế – xã hội những năm qua là hoạt động thu hút đầu tư. Với phương châm coi “nhà đầu tư là công dân Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, Vĩnh Phúc đã có những cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đang hoạt động cũng như thu hút doanh nghiệp khác đến đầu tư tại địa phương.

Chuyện PCI ở Vĩnh Phúc Kỳ 2: Nơi doanh nghiệp là trung tâm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Hiếu

Mở rộng kênh đối thoại với DN

Sau khi thống nhất nhận thức về PCI và vị trí của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội, hàng loạt cơ chế phối hợp mới được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào thực hiện. Câu chuyện chăm sóc doanh nghiệp và ứng xử đúng mực với nhà đầu tư chưa bao giờ được nâng cao quan điểm đến thế. Theo một chuyên gia của VCCI, việc rơi tự do của Vĩnh Phúc trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 đến từ thực trạng: doanh nghiệp “rỉ tai” nhau về sự thờ ơ của các cơ quan hành chính sự nghiệp, và chính doanh nghiệp đã đánh tụt hạng địa phương này.

Chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành là người đề xuất tập thể lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp hàng tuần để trực tiếp chỉ đạo sở, ngành theo đầu công việc. Đề xuất đó ngay lập tức nhận được sự đồng thuận cao trong Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Tuy nhiên trong những buổi tiếp xúc đầu tiên, vướng mắc đã xuất hiện – đó chính là quỹ thời gian các bên dành cho nhau. Khó khăn của DN là khó khăn hàng ngày, hàng giờ và trên đủ mọi lĩnh vực. Một buổi vào mỗi cuối tuần là không thể thỏa mãn hàng nghìn doanh nghiệp. Tỉnh cần những kế sách thiết thực hơn, đương nhiên là dựa trên đề xuất của Phó Chủ tịch UBND tỉnh. “Doanh nghiệp không có nhiều thời gian, vì thời gian là doanh số, là tiền bạc. Bởi vậy, nếu chỉ tổ chức gặp gỡ định kỳ hàng tuần là không thể đủ. Vì vậy, sau khi nhận được sự thống nhất cao từ Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu 3 đơn vị là IPA, Ban quản lý Khu công nghiệp và Hội doanh nghiệp tỉnh cùng tập trung vào một nhiệm vụ – đó là chủ động đối thoại với doanh nghiệp thuộc diện mình quản lý, trong đó chú trọng áp dụng công nghệ thông tin”, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc Đường Trọng Khang cho biết.

Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền và hàng loạt website dành riêng cho doanh nghiệp được các đơn vị xây dựng, với ít nhất 4 tiếng nước ngoài được sử dụng là Anh, Nhật, Hàn, Trung. Ngay cả câu chuyện duy trì 4 thứ tiếng trên website cũng là áp lực vô cùng lớn cho những đơn vị này, đặc biệt là trong khâu phản hồi. Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh vẫn kiên định với số lượng ngôn ngữ trên như một sự cam kết thống nhất với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tinh thần chung là nếu DN gặp phải những vướng mắc vượt quá thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh sẽ có trách nhiệm làm cầu nối với các cơ quan Trung ương, thậm chí là Chính phủ. Sự chân thành và quyết tâm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội Vĩnh Phúc đang giúp hình ảnh của bộ máy chính quyền địa phương được cải thiện nhanh theo hướng tích cực.

Khi doanh nghiệp là sứ giả

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Exedy Vietnam – ông Hideki Kanai cho rằng, quãng thời gian 10 năm đứng chân trên Khu công nghiệp Khai Quang, doanh nghiệp đang phụ trợ cho Honda Vietnam, Suzuki, Yamaha của ông đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thị trường có lúc lên lúc xuống, nhưng sự ổn định về mặt thể chế của Vĩnh Phúc mới là yếu tố quyết định sự thành công của Exedy Vietnam. Những vướng mắc của doanh nghiệp này hiện nay đều nằm cả ở chính sách vĩ mô như thuế, đất đai, hạ tầng, điện…

Là doanh nghiệp cổ phần hóa sớm nhất của tỉnh, Công ty CP Dược Vĩnh Phúc (Vinphaco) được UBND tỉnh và ngành y tế chuẩn bị lộ trình khá chu đáo về nhân sự, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, thị trường… Giám đốc Đỗ Ngọc Sơn khẳng định, chính sự quan tâm nghiêm túc, đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi cung đường đã làm nên thương hiệu “1.000 tỷ đồng” Vinphaco ngày hôm nay. Điều khiến vị Giám đốc trẻ tuổi phục nhất, đó chính là tư duy luôn tìm cách lồng ghép xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp vào các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh. “Tôi cho rằng, đã là doanh nghiệp thì nhu cầu mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất luôn thường trực. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nhanh như hiện tại, để một doanh nghiệp tầm trung có thể tăng nhanh doanh số bằng cách mở rộng thị trường là cực kỳ khó khăn bởi thị phần đều được phân chia từ lâu. Vai trò bà đỡ của Nhà nước thời điểm hiện tại mới phát huy tác dụng” ông Sơn tâm sự.

Là một trong ba đơn vị hành chính sự nghiệp được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thu thập đề nghị, thắc mắc của doanh nghiệp, Ban quản lý Khu công nghiệp Vĩnh Phúc luôn nhận thức rằng, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, để thu hút đầu tư, ngoài các biện pháp tích cực cải thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đào tạo nhân lực, vấn đề cải cách các thủ tục hành chính luôn được đặt lên hàng đầu. Phó Trưởng ban Nguyễn Trường Giang khẳng định, rất nhiều thủ tục hành chính, đơn cử như thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh đã được rút ngắn, thậm chí còn 1/3 so với quy định. Động thái lắng nghe của lãnh đạo UBND tỉnh thật sự thuyết phục doanh nghiệp. Có những vướng mắc đang tồn tại vượt khỏi tầm kiểm soát của Vĩnh Phúc, hoặc theo luật định, tuy nhiên các DN đã cảm thấy được tôn trọng, quan tâm chân tình. Đây là “điểm” được cho là rất đột phá. Mới đây, nhà đầu tư khu công nghiệp danh tiếng Sumitomo của Nhật Bản đã “cập bến” Vĩnh Phúc, báo hiệu một tín hiệu cực kỳ lạc quan về làn sóng đầu tư mới đến từ đất nước mặt trời mọc. Chính các doanh nghiệp Nhật Bản khác đã thuyết phục, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư này chứ không phải ai khác.

Theo Lê Tùng - Báo Đại biểu Nhân dân