Thứ Năm, 03/07/2014 15:03:09 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Thiết lập cơ chế khuyến khích phát triển Công nghiệp hỗ trợ

Có thể nói Vĩnh Phúc vẫn là một trong những tỉnh thu hút đầu tư vốn FDI tốt nhất của miền Bắc. Nhà đầu tư hàng đầu tại địa phương này dẫn đầu vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước đến từ khối EU, Mỹ. Mặc dù bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư quý I/2014 của Vĩnh Phúc vẫn đạt kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 115,7 triệu USD với 06 dự án cấp mới và 01 dự án tăng vốn. So với cùng kỳ bằng 3 lần về số dự án và gấp 7 lần về vốn đầu tư, đạt 77% so kế hoạch năm.

Các dự án của Tập đoàn Toyota, Honda, Yamaha, Piaggio… đã mang lại giá trị lớn cho địa phương này cả về kinh tế và xã hội. Quý 1/2014 khối FDI đã nộp ngân sách Nhà nước trên 4.000 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2013. Thu hút trên 45.000 lao động địa phương. Với định hướng thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên ngành sản xuất ô tô, xe máy và điện tử, Vĩnh Phúc đã trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ đóng góp vào tăng trưởng

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng góp nhiều vào kinh tế Vĩnh Phúc, chiếm hơn 50% tỷ trọng GDP hằng năm. Chủ yếu tập trung vào ba ngành lớn: cơ khí, điện tử, tin học và ô-tô, xe máy, chiếm hơn 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm CNHT đáp ứng cho ngành công nghiệp mô-tô, xe máy, thì những lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô-tô, điện tử – tin học mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm linh kiện đơn giản. Cụ thể, trong nhiều năm qua, nhập siêu ở Vĩnh Phúc luôn ở mức cao hơn 1 tỷ USD. Nhiều ngành công nghiệp của doanh nghiệp FDI như ô-tô, xe máy, hàng điện tử… tuy có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu nên tạo ra giá trị gia tăng thấp.3.Honda_VinhPhuc

Sự tăng trưởng của công nghiệp Vĩnh Phúc có đóng góp rất lớn của hai doanh nghiệp FDI của Nhật Bản là Toyota và Honda Việt Nam, chiếm 80% vào GDP của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hai doanh nghiệp này chủ yếu là hoạt động lắp ráp từ các thiết bị, phụ tùng nhập khẩu nên tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm chính không cao. Theo khảo sát của Ban Quản lý Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Công ty Honda Việt Nam hiện có khoảng 500 nhà cung cấp sản phẩm CNHT, trong đó có hơn 400 doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, đến nay, Vĩnh Phúc mới chỉ có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất CNHT.

Cần có ưu đãi rõ ràng cho ngành CNHT

Theo điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam dao động từ 15 đến 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.

Vì vậy, Quyết định 1588 ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định quy hoạch các ngành CNHT gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển công nghiệp. Tuy có hơi muộn nhưng cũng được coi là giải pháp tốt của chính quyền địa phương trong phát triển ngành này. Trong đó, phát triển CNHT sẽ trở thành nền tảng cho các ngành công nghiệp theo hướng sử dụng các công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao, trước mắt là tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

Đối với các dự án FDI, đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ngoài ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước Việt Nam, khi đầu tư vào Vĩnh Phúc, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi của tỉnh cụ thể như: hỗ trợ chi phí tư vấn lập hồ sơ dự án đầu tư từ 20 – 200 triệu đồng đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200.000 USD đến 5.000.000 USD; hỗ trợ 2.000.000 đồng cho việc bố cáo thành lập doanh nghiệp; 5.000.000 đồng cho phí báo cáo đánh giá tác động môi trường; giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng tại bộ phận “một cửa” thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), khi cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp với thời gian thực hiện được rút ngắn chỉ còn một nửa so với quy định. Được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và ưu tiên tuyển dụng lao động theo yêu cầu của dự án… không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà trong suốt thời gian hoạt động của dự án.

Theo Lê Hiền - Tạp chí vccinews.vn