Việt Nam đang là đích đến của nhà đầu tư Pháp
Nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14/7), ngài Jean-Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Tháng 9/2013, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Cho đến nay, mối quan hệ mới này đã phát triển như thế nào, thưa Đại sứ?
Hai chính phủ đang tích cực đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao. Từ đầu năm nay, đã có một số chuyến thăm như vậy và sắp tới, Bộ trưởng Ngoại thương của Pháp, bà Fleur Pellerin, sẽ thăm Việt Nam vào ngày 21-22/7 tới.
Trong lĩnh vực kinh tế, Diễn đàn Kinh tế cấp cao lần thứ 2 đã diễn ra tại Paris vào tháng 4/2014, do ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, và ngài Arnaud Montebourg, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Phục hồi sản xuất và Công nghiệp số, đồng chủ trì.
Về hợp tác doanh nghiệp, quan hệ đối tác chiến lược này nhằm phát triển hợp tác công nghiệp song phương lâu dài. Ví dụ, gần đây, VietJetAir đã mua 63 máy bay Airbus của Pháp và tiếp theo là một thỏa thuận lắp động cơ CFM cho gói đầu tiên của các máy bay này.
Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp đang hoạt động rất mạnh trong các lĩnh vực môi trường, năng lượng, giao thông. Ví dụ, các doanh nghiệp như GDF Suez, Veolia và EDF đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp cho Việt Nam, phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược và nhu cầu của Việt Nam.
Thị trường Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào trong chính sách kinh tế của Chính phủ Pháp?
Tiềm năng của Việt Nam – một đất nước và thị trường phát triển năng động, đang là đích đến của các doanh nghiệp Pháp và được Chính phủ Pháp ưu tiên. Hai nước có quan hệ tốt đẹp dựa trên các giá trị lịch sử, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Điều này được minh chứng bởi Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Pháp đã có quan hệ chiến lược.
Việt Nam và EU đang cố gắng hoàn tất các vòng đàm phán cuối cùng cho một hiệp định thương mại tự do song phương, để có thể ký kết vào cuối năm nay. Theo Đại sứ, hiệp định này sẽ đem lại lợi ích gì cho Việt Nam và EU?
Cũng như Việt Nam, Pháp mong muốn đây là một hiệp định công bằng và toàn diện, cần được ký kết càng sớm càng tốt và sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với hiệp định này, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU sẽ có thêm xung lực phát triển mới.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, hiệp định này sẽ giúp cân bằng thương mại giữa 2 nước và đợi chờ những kết quả tốt đẹp từ Hiệp định, không chỉ về việc cắt giảm thuế quan, mà còn về những vấn đề lớn như rào cản thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm cả bảo hộ chỉ dẫn địa lý) và một môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Pháp cũng là đối tác phát triển lớn của Việt Nam. Hợp tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa hai nước sẽ như thế nào trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Pháp là nhà tài trợ ODA đầu tiên của châu Âu cho Việt Nam và là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai của khu vực này cho Việt Nam – chủ yếu thông qua Cơ quan Phát triển Pháp và vốn vay ưu đãi của Bộ Tài chính Pháp.
ODA của Pháp hướng đến 3 mục tiêu: hỗ trợ phát triển đô thị bền vững; hỗ trợ việc hiện đại hóa các ngành sản xuất có tác động lớn tới xã hội và môi trường (được thực hiện thông qua các dự án đào tạo nghề, phát triển các thể chế tài chính với tác động xã hội lớn, hỗ trợ tài chính vi mô và cuối cùng là nâng cao chất lượng và năng suất của ngành nông nghiệp); giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một trong những dự án hàng đầu của Pháp tại Việt Nam đang được xúc tiến là Dự án tàu điện ngầm thí điểm số 3 tại Hà Nội. Chúng tôi muốn giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả tại Hà Nội. Cùng với các đối tác khác như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Pháp hiện đã cung cấp gần nửa số vốn cho dự án này.
Trong năm nay, cần đẩy nhanh việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên mặt đất cho dự án này, và cũng cần tiến hành mời thầu cho một số gói thầu. Việc thực hiện dự án đang gặp khó khăn, nhưng các bên liên quan đã có các cam kết mạnh mẽ trong triển khai.
Cũng trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ nối lại việc cấp ODA cho ngành y tế, với bước đầu là cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt