Thứ Tư, 03/08/2016 14:44:21 (GMT+7)

Chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2016 (Phần 2)

Tiếp theo những chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực trong tháng 8/2016, sau đây IPA Vinh Phuc điểm qua thêm một số chính sách mới đáng chú ý trong tháng 8/2016.

Chính sách mới nổi bật của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2016 (Phần 2)

  1. Chính thức áp dụng thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu

Quyết định số 2968/QĐ-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 18/7/2016 về việc áp dụng biện pháp tự vệ sẽ có hiệu lực từ 02/8/2016.

Theo Quyết định, hàng hóa nhập khẩu là phôi thép (hợp kim và không hợp kim) và sản phẩm thép dài (hợp kim và không hợp kim) sẽ chính thức bị áp thuế tự vệ theo quy định sau:

– Thời gian áp thuế là 04 năm kể từ ngày Quyết định 862/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực (ngày 22/3/2016).

– Thuế tự vệ được áp dụng đối với tất các các quốc gia/vùng lãnh thổ, ngoài trừ:

+ Các nước đang phát triển, kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu; và

+ Tổng nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ này không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.

Lộ trình áp thuế tự vệ được quy định chi tiết tại Quyết định này.

  1. Hướng dẫn mới về hoạt động đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất có hiệu lực từ ngày 08/8/2016.

Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý như sau:

– Quy định các hoạt động thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất bao gồm các trường hợp đăng ký thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp hoặc của người khác.

– Văn phòng đăng ký đất đai không được sửa lại nội dung hợp đồng thế chấp nếu không thuộc trường hợp sai sót nêu tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

– Phân biệt rõ trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu.

– Bổ sung thêm 02 phương thức đăng ký thế chấp QSDĐ bao gồm: gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến và gửi có đường bưu điện có bảo đảm.

  1. Quy định mới về xuất nhập cảnh, cư trú ở khu kinh tế cửa khẩu

Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BCA-BQP nhằm hướng dẫn việc xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại các khu kinh tế cửa khẩu.

Theo đó, trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu được quy định như sau:

– Phải có một trong các giấy tờ dưới đây để được nhập cảnh:

+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hợp lệ còn thời hạn ít nhất 06 tháng;

+ Giấy thông hành biên giới hợp lệ và các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng còn thời hạn ít nhất 45 ngày.

– Sau khi đã nhập cảnh được tạm trú không quá 15 ngày.

– Nếu có nhu cầu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam, phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục xin cấp thị thực tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh nơi có khu kinh tế cửa khẩu.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 08/8/2016.

  1. Quy định mới về cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Thông tư số 28/2016/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/8/2016.

Theo đó, việc cấp và quản lý thẻ ABTC được quy định như sau:

– Thẻ ABTC cấp cho doanh nhân Việt Nam có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày cấp (Theo quy định hiện hành thì thời hạn này là 03 năm).

– Trường hợp hộ chiếu của doanh nhân còn thời hạn dưới 05 năm thì thời hạn của thẻ mới được cấp bằng với thời hạn của hộ chiếu đó.

– Doanh nhân đề nghị cấp mới, cấp lại thẻ ABTC có thể vào hệ thống điện tử của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh để nhập thông tin theo Mẫu X05 ban hành kèm theo Thông tư này.

– Trường hợp doanh nhân thực hiện thủ tục qua hệ thống điện tử nêu trên thì có thể nộp lệ phí trực tuyến qua tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Thông tư số 28/2016/TT-BCA thay thế Thông tư số 10/2006/TT-BCA và Điều 2, Thông tư số 07/2013/TT-BCA.

  1. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC đã quy định một số mức hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP như sau:

– Hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ tùy từng khóa học và thời gian học thực tế nhưng tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học;

– Hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được cấp phép khám sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Hỗ trợ giải quyết theo mức quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 của Quyết định 144/2007/QĐ-TTg trong trường hợp người lao động gặp phải các rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC, người lao động còn nhận được nhiều hỗ trợ khác như: chi phí đi lại, tiền ăn, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài.

Minh Hằng – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)