Thứ Ba, 01/12/2015 14:39:17 (GMT+7)

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2015

Trong tháng 12-2015, nhiều chính sách quan trọng được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Cụ thể như sau:

Quy định mới về mẫu con dấu doanh nghiệp, Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội

Từ ngày 08/12/2015, Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 có hiệu lực.

Theo đó, quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung, mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu trừ trường hợp Điều lệ công ty (CT) có quy định khác thuộc về:

– Chủ DN tư nhân với DN tư nhân.

– Hội đồng thành viên (HĐTV) với CT hợp danh.

– HĐTV hoặc Chủ tịch CT với CT trách nhiệm hữu hạn.

– Hội đồng quản trị với CT cổ phần.

Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu DN phải bao gồm:

– Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.

– Số lượng con dấu.

– Quy định về quản lý, sử dụng con dấu.

Mẫu con dấu DN được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác).

Mỗi DN có một con dấu thống nhất về nội dung, hình thức, kích thước.

Mã số DN, tên DN trong nội dung mẫu con dấu thực hiện theo Điều 30 và Điều 38 Luật DN 2014.

DN có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu trừ trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Cũng theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 8/12/2015, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

Nghị định 96/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2010/NĐ-CP .

Thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài

Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 thì thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài được quy định như sau:

– Tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cấp cho tổ chức đó.

Khi hết hạn sở hữu nhà ở ghi trong GCN, nếu chủ sở hữu (CSH) có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo Điều 77 Nghị định này.

Nếu GCNĐKĐT không ghi thời hạn thì trong GCN cấp cho CSH cũng được ghi không thời hạn.

– Nếu tổ chức nước ngoài bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi GCNĐKĐT hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì xử lý theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

Nếu trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định pháp luật thì tổ chức này được sở hữu nhà ở lâu dài.

Doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng

Từ ngày 1-12-2015, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là nội dung chính quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13-10-2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Quy định rõ thẩm quyền Cảnh sát môi trường

Theo Nghị định 105/2015/NĐ-CP ngày  20/10/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực từ ngày 5/12/2015, cảnh sát môi trường có nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được áp dụng các biện pháp công tác và các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm…
Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, DN chế xuất

Có hiệu lực từ ngày 25/12/2015, Nghị  định số 114/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Cụ thể, Nghị định 114/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung về quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

Mua nhà ở xã hội được vay 80% giá trị hợp đồng

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Hướng dẫn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu được quy định như sau:

– Được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án.

Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu.

– Được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

– Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không.

– Được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.

– Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình các dự án; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư.

– Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.

Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Thông tư 02/2009/TT-BKH .

Quy định mới về hạn chế sử dụng ngoại hối tại Việt Nam

Theo Thông tư 16/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ 03/12/2015, việc hạn chế sử dụng ngoại hối (SDNH) trên lãnh thổ Việt Nam có các điểm mới sau:

Trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và trường hợp cần thiết khác, tổ chức được phép SDNH tại Việt Nam sau khi được NHNN xem xét, chấp thuận bằng văn bản.

Việc lập, gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận SDNH này phải đảm bảo nguyên tắc:

– Hồ sơ được lập bằng tiếng Việt.

Nếu thành phần hồ sơ dịch từ tiếng nước ngoài, tổ chức được lựa chọn nộp tài liệu đã được chứng thực chữ ký người dịch hoặc tài liệu có xác nhận của người đại diện hợp pháp của tổ chức.

– Đối với thành phần hồ sơ là bản sao, tổ chức được lựa chọn:

+ Nộp bản sao chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức đó.

+ Hoặc xuất trình kèm bản chính để đối chiếu nếu tổ chức nộp hồ sơ trực tiếp tại NHNN và các giấy tờ bản sao không phải là bản sao có chứng thực.

Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao.

Thủ tục phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu

Theo Thông tư 39/2015/TT-BNNPTNT, trình tự thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn công do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn quản lý quy định như sau:

– Bên mời thầu nộp 02 bộ hồ sơ trình duyệt trực tiếp tại văn thư hoặc bộ phận một cửa hoặc gửi theo đường bưu điện đến chủ đầu tư.

– Thành phần hồ sơ trình duyệt theo điểm a khoản 2, 3, 4 Điều 106 Nghị định 63/2014/NĐ-CP .

– Chủ đầu tư giao một tổ chức, cá nhân trực thuộc hoặc lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thẩm định, lập cáo cáo thẩm định và dự thảo quyết định trình chủ đầu tư phê duyệt:

+ Kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển.

+ Danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

+ Kết quả lựa chọn nhà thầu theo điểm b, c khoản 2, 3, 4 Điều 106 Nghị định 63/2014/NĐ-CP .

– Thời hạn giải quyết theo điểm g, h, k khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu.

– Quyết định phê duyệt các hồ sơ trên trả trực tiếp hoặc gửi bưu điện cho Bên mời thầu và các cơ quan liên quan.

Thông tư 39/2015/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ 10/12/2015.

Tiền Iương tháng đóng BHXH bắt buộc

Theo Quyết định 959/QĐ-BHXH được ban hành ngày 09/9/2015 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với tiền lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định thực hiện như sau:

– Tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động.

+ Từ ngày 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định pháp luật lao động.

+ Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật lao động.

– Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định trên không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Người lao động đã qua học nghề thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%.

Quyết định 959/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Quy định đối với lái xe trên phương tiện xuất, nhập cảnh

Theo Thông tư 39/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia thì quy định đối với lái xe, người đi trên phương tiện xuất, nhập cảnh như sau:

– Lái xe điều khiển, người đi trên phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế phù hợp với điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực).

– Đối với lái xe điều khiển phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu phải có giấy phép lái xe quốc gia hoặc quốc tế phù hợp với loại xe mà mình điều khiển.

– Đồng thời, lái xe điều khiển, người đi trên phương tiện khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu phải chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.

Thông tư 39/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Khuyến khích phát triển giao thông đường thủy nội địa

Ngày 05/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 47/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Theo đó, điều kiện được hưởng cơ chế,chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa như sau:

– Các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy định pháp luật.

– Các dự án về đầu tư phương tiện thủy nội địa, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải có quy hoạch được duyệt.

– Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Ngoài ra, Quyết định này còn quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động đầu tư, khai thác vận tải và dịch vụ vận tải, hỗ trợ người lái phương tiện thủy nội địa….

Quyết định 47/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Các trường hợp được miễn kiểm tra an ninh hàng không

Theo Thông tư  53/2015/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 28/2010/TT-BGTVT quy định chi tiết công tác đảm bảo chuyến bay chuyên cơ thì các trường hợp được miễn kiểm tra an ninh hàng không được quy định như sau:

– Miễn kiểm tra an ninh hàng không đối với người, hành lý xách tay của đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ quy định tại Điều 5 Nghị định 03/2009/NĐ-CP .

– Miễn kiểm tra an ninh hàng không đối với các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, đại diện ngoại giao của nước ngoài vào đón tiễn đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ, bao gồm:

+ Trưởng ban Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương và các chức vụ tương đương trở lên.

+  Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên.

+ Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương trở lên.

+ Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư 53/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Từ ngày 08/12/2015, sẽ áp dụng các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài theo Thông tư 09/2015/TT-BKHĐT . Cụ thể:

– Bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCN ĐKĐT) ra nước ngoài (áp dụng cho tất cả các dự án đầu tư ra nước ngoài).

– Đề xuất dự án đầu tư ra nước ngoài (áp dụng cho các dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài).

– Bản đề nghị điều chỉnh GCN ĐKĐT ra nước ngoài (áp dụng cho tất cả các dự án đầu tư ra nước ngoài).

– Giải trình về điều chỉnh GCN ĐKĐT ra nước ngoài (áp dụng cho các dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài).

– Văn bản (VB) cam kết tự thu xếp ngoại tệ.

– VB cam kết thu xếp ngoại tệ của tổ chức tín dụng.

– VB xác nhận việc nhà đầu tư (NĐT) thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước.

– Mẫu GCN ĐKĐT ra nước ngoài.

– Thông báo hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

– Báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm tình hình thực hiện dự án tại nước ngoài.

– Mẫu VB gia hạn, chấp thuận việc gia hạn chuyển lợi nhuận về nước…

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số  điều của Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 27/12/2015, Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; các biện pháp đảm bảo đầu tư; ưu đãi đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư; thủ tục đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Giám sát tài chính đặc biệt doanh nghiệp nhà nước
Có hiệu lực từ 1/12/2015, Nghị định số 87/2015 ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính:
– Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

Quy định mới về gia hạn hộ chiếu
Theo Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007  ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 1/12/2015, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm (tại Nghị định 65/2012 là 6 tháng) thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm;khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)