Thứ Năm, 05/01/2017 16:37:33 (GMT+7)

Xuất khẩu linh kiện điện tử: Khẳng định thế mạnh ngành công nghiệp mũi nhọn

Với 56 doanh nghiệp công nghiệp điện tử đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, xuất khẩu hàng điện tử của tỉnh luôn khẳng định được thế mạnh là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT – XH của tỉnh.

Xuất khẩu linh kiện điện tử: Khẳng định thế mạnh ngành công nghiệp mũi nhọn

Công ty TNHH Solum Vina (KCN Bá Thiện II) chuyên sản xuất sản phẩm Mudule Power, tạo việc làm cho 1.500 lao động. Ảnh Chu Kiều

Với chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ công nghiệp điện tử… những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi; chủ động cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp; tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ…, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2015, trong đó hàng điện tử đạt gần 750 nghìn USD, tăng gần 20% so với năm 2015. Doanh thu linh kiện điện tử đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách Nhà nước và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

Công ty TNHH Haesung Vina (KCN Khai Quang,thành phố Vĩnh Yên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất Camera và Camera cho điện tử thông minh. Sau hơn 5 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị ngày càng mở rộng và phát triển. Từ 1 xưởng sản xuất với 150 lao động, đến nay, Công ty đã mở rộng quy mô lên 4 xưởng, tạo việc làm ổn định cho 4.500 lao động, với mức lương bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó, 95% lao động là người Vĩnh Phúc. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Heasung Vina đã 4 lần tăng vốn đầu tư, từ 11 triệu USD lên 72 triệu USD. Hiện nay, doanh nghiệp là đối tác tin cậy của nhiều hãng điện thoại nổi tiếng thế giới . Năm 2016, Công ty có sự tăng trưởng vượt bậc, với sản lượng sản xuất đạt hơn 90 triệu sản phẩm, tăng 30% so với kế hoạch, doanh thu ước đạt hơn 305 triệu USD, tăng 20% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế gần 34 triệu USD, đóng góp không nhỏ cho ngân sách của tỉnh.

Ông Seo Kwang Hee, Tổng Giám đốc Công ty Heasung Vina cho biết, trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam, Ban lãnh đạo Công ty mẹ là Haesung Optic đã khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư ở nhiều nước khu vực châu Á và một số tỉnh của Việt Nam và quyết định chọn Vĩnh Phúc làm “đại bản doanh”. Bởi, ngoài yếu tố giao thông thuận lợi, gần sân bay quốc tế Nội Bài và thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc hội tụ đầy đủ các điều kiện: Nguồn lao động dồi dào; lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để dự án triển khai một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất cũng như trong trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau hơn 7 năm thành lập và đi vào hoạt động, Công ty TNHH Partron Vina đã 15 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư, từ 18,6 triệu USD lên 150,5 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất các loại linh kiện điện tử, cung cấp hàng triệu sản phẩm mỗi năm gồm: Camera, ăng ten, motor, Irfilter, vỏ nhựa, Lens, VCM… cho Tập đoàn điện thoại di động SamSung. Đến nay, Partron Vina đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có quy mô lớn và mức tăng trưởng khá nhất trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ lĩnh vực điện tử, tin học, viễn thông ở Vĩnh Phúc. Hiện nay, Công ty đang giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Để Vĩnh Phúc tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử; công nghiệp hỗ trợ điện tử và gia công linh kiện điện tử… đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020 đạt 3 – 3,5 tỷ USD; thu hút mới từ 1,3 – 1,5 tỷ USD vốn đăng ký từ các dự án FDI, thời gian tới, tỉnh khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cuối tháng 12/2016 vừa qua, trong hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Vĩnh Phúc – tiềm năng và cơ hội đầu tư”, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư và cam kết cung cấp đủ điện và ổn định 24/24 giờ cho các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp. Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân và chuyên gia. Luôn đồng hành doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Công khai minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư, các loại quy hoạch; giảm từ 30-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định chung. Quyết định Chủ trương đầu tư không quá 15 ngày, đăng ký đầu tư không quá 5 ngày làm việc. Thực hiện thủ tục hải quan, thuế điện tử nhanh gọn; thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá một lần/năm đối với một doanh nghiệp. Đảm bảo an ninh trật tự phạm vi dự án, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp đủ lao động phổ thông, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; đảm bảo không để xảy ra đình công, bãi công trái pháp luật. Giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp không quá 5 ngày làm việc; trường hợp cấp bách giải quyết không quá 24 giờ.

Theo Mai Liên - Báo Vĩnh Phúc