Xanh hóa sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp xanh, thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần hình thành sản xuất xanh, tăng trưởng xanh bền vững.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam trang bị đầy đủ hệ thống thu gom, phân loại rác thải
Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp xanh, công ty đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần bảo vệ môi trường như lưu trữ, thu hồi và xử lý pin hybrid thải bỏ đúng quy định; sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời, xây dựng sân chơi cho trẻ em từ lốp xe tái chế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh – vì một Việt Nam xanh; xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước thải tự động và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; hỗ trợ nhà cung cấp đạt chứng chỉ ISO 14001 trong vòng 1 năm sau khi hợp tác nhằm duy trì tôn chỉ “chuỗi cung ứng xanh”. Hiện 100% đại lý Toyota đều thực hiện hoạt động giảm phát thải khí CO2 như thay đèn huỳnh quang bằng đèn LED, dán nhãn nhắc nhở tiết kiệm điện tại các vị trí có công tắc…
Nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất xanh, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng phát triển, thị trường xuất khẩu rộng mở. Năm 2022, công ty đạt gần 69 triệu USD từ xuất khẩu linh kiện, phụ tùng, đóng góp trên 1.240 triệu USD vào ngân sách Nhà nước, tăng xấp xỉ 25% so với 2021 và được vinh danh là 1 trong 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhận Giải thưởng Rồng Vàng do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Là khu công nghiệp kiểu mẫu, sau 7 năm đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đang là điểm dừng chân của 35 dự án FDI, 6 dự án DDI, tỷ lệ lấp đầy đạt 97%, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, sức hấp dẫn của khu công nghiệp này không chỉ là vị trí thuận lợi mà nơi đây có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, với hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 3.000 m3/ngày đêm; các công trình lưu giữ, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống quan trắc tự động. Đặc biệt, hệ thống cây xanh được trồng dọc, phủ xanh các tuyến đường và trong khuôn viên từng doanh nghiệp.
Hệ thống canh xanh, thảm cỏ ở khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thường xuyên được cắt tỉa
Còn tại khu công nghiệp Khai Quang, gần 90 dự án đầu tư vào đây đều yên tâm sản xuất kinh doanh do hạ tầng được đầu tư đồng bộ; hệ thống đường, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, rãnh thoát nước mưa được xây dựng rộng khắp, có kết nối và đấu nối ra nơi xử lý, sau đó mới cho thoát ra môi trường. Nước thải công nghiệp khi thải ra môi trường đạt cấp độ A theo tiêu chuẩn QCVN 40: 2011. Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng, nút đèn tín hiệu giao thông được đầu tư hợp lý theo hướng tiết kiệm điện, bảo đảm ánh sáng ban đêm, tăng vẻ đẹp cho công xưởng, nhà máy.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trong trong khu công nghiệp Khai Quang, Công ty TNHH Haesung vina đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phòng sạch, trang bị đầy đủ hệ thống điều hòa, chiếu sáng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, kho bãi lưu trữ chất thải đạt chuẩn.
Theo đại diện công ty, trung bình mỗi tháng, Haesung vina sử dụng khoảng 15.000 m3 nước sạch. Trong quá trình vận hành hệ thống lọc nước RO, nhận thấy lượng nước thải quá lớn, chiếm khoảng 50% lượng nước đầu vào, công ty đã đầu tư xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống bơm để tái sử dụng cho tưới cây, vệ sinh kho bãi, khu vực nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, tăng cường tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường, thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng các bóng đèn led, lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí, xây dựng các quy trình bảo dưỡng máy móc định kỳ; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên diện tích mái nhà xưởng để phục vụ cho sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm, công ty tiết kiệm được khoảng 500 nghìn kwh điện, góp phần giảm thiểu chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính.
Nỗ lực trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội; gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chú trọng phát triển các khu công nghiệp xanh bền vững và hiện đại. Tuy nhiên, để góp phần giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất, góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam, Vĩnh Phúc cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững, thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao sử dụng sản phẩm xanh…
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh