Thứ Ba, 15/10/2013 7:55:45 (GMT+7)

Vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Thành lập và chính thức đi vào sản xuất đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, tài chính, Doanh nghiệp tư nhân Văn Bảy gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động của cơ chế thị trường, do giá cả nguyên vật liệu leo thang cộng với sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp khác. Đặc biệt, với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gia công, sản xuất hàng may mặc và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền với sự đoàn kết, thống nhất, tập thể, cán bộ CNLĐ công ty nghiệp đã chủ động liên hệ tìm kiếm các bạn hàng, đơn hàng để có nguồn hàng gia công, sản xuất các sản phẩm dệt may phục vụ xuất khẩu.

Doanh nghiệp luôn đặt chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng lên hàng đầu

Nhờ hướng đi đúng đắn đó nên trong thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân Vân Bảy vẫn duy trì quy mô sản xuất và đạt được mức tăng trưởng ổn định, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động. Hiện nay, doanh nghiệp đang duy trì 4 cơ sở may gia công các sản phẩm quần áo may sẵn xuất khẩu tại các xã, thị trấn: Gia Khánh, Tân Phong (Bình Xuyên), xã Đạo Trù (Tam Đảo) và 1 cơ sở đặt tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5-2,8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2013 của doanh nghiệp ước đạt trên 1 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng.

Bà Tạ Thị Thu Vân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vân Bảy cho biết: Có được những thành công trên là do lãnh đạo công ty đã xác định hướng đi phù hợp, đảm bảo thời gian giao hàng, đảm bảo khối lượng, chất lượng hàng và một giá thành hợp lý, trong đó, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Doanh nghiệp tư nhân Vân Bảy đã phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc tổ chức 4 lớp đào tạo nghề thêu, móc sợi xuất khẩu cho 140 lao động nông thôn. Thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không chỉ giúp cho người lao động có được nghề mới để nâng cao thu nhập mà đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp có thể trực tiếp chọn lựa, đào tạo và tuyển dụng thêm lao động vào làm việc tại đơn vị từ đó tạo điều kiện để Doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo Ngô Tuấn Anh - Báo Vĩnh Phúc