Vượt qua khó khăn ảnh hưởng dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư năm 2020 vượt kế hoạch đề ra
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra với quy mô toàn cầu, các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019 và đề ra các nhiệm vụ giải pháp năm 2020. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện thông qua hình thức mạng xã hội, zalo, điện thoại hoặc bằng văn bản đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Do vậy, kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2020 vẫn vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, vốn FDI dự kiến đạt 666,16 triệu USD, bằng 57,4% so với năm 2019 và vượt 21,12% so với kế hoạch năm; vốn DDI dự kiến đạt 7.468,7 tỷ đồng, bằng 49,5% so với năm 2019, tăng 35,8% so với kế hoạch năm. Trong năm, toàn tỉnh dự kiến có 1.170 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 8.200 tỷ đồng, tăng 3,4% về số doanh nghiệp và 0,3% về số vốn đăng ký so với năm trước.
Lũy kế đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 412 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,1 tỷ USD và 803 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 98,3 nghìn tỷ đồng. Hiện có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó, một số nhà đầu tư lớn là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… Toàn tỉnh có 11.778 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 137.000 tỷ đồng, trong đó có trên 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân của sự sụt giảm về số vốn thu hút đầu tư trong năm 2020 chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là thị trường truyền thống của tỉnh đã dừng triển khai tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Với các dự án đang thực hiện, các nhà đầu tư cân nhắc việc tăng vốn tại thời điểm này. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập cảnh người nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt chuyên gia, người lao động trình độ cao khiến các doanh nghiệp này phải tạm ngừng sản xuất. Việc tuyển dụng lao động mới gặp khó khăn do tâm lý lo ngại dịch bệnh. Nhiều dự án vệ tinh của Tập đoàn Samsung hoạt động trong lĩnh vực điện tử bị sụt giảm số lượng đơn đặt hàng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may có đối tác khách hàng tại Mỹ, các nước châu Âu cũng bị tạm dừng hoặc cắt giảm đơn hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đang nghiên cứu xây dựng và ban hành Chiến lược thu hút vốn đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chính sách hỗ trợ giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh cho nhà đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các đối tác tiềm năng, trong đó, chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tận dụng tốt làn sóng chuyển dịch đầu tư từ khu vực Đông Bắc Á vào ASEAN, trong đó có Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp điện tử, sản xuất kinh kiện điện tử, công nghiệp hỗ trợ công nghiệp cơ khí và dệt may. Trong đó, tập trung thu hút lĩnh vực cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp sản xuất vật liệu mới, vật liệu nhẹ; công nghiệp sinh học, chế biến nông lâm thủy sản; đầu tư kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp; dịch vụ kho vận chuyển logictics; siêu thị, khách sạn nhà hàng; khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí cao cấp; cơ sở giáo dục, đào tạo; sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc thẩm tra trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng thu hút các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng lao động chất lượng cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano; các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh gồm: cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới. Đồng thời, không tiếp nhận, cấp phép cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và thâm dụng lao động.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023