Vĩnh Phúc – Xu hướng “Năng lượng xanh – Năng lượng bền vững”
Tại phiên tham luận của Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản năm 2022, được tổ chức vào ngày 23/06 vừa qua rất nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và đặt các câu hỏi đến vấn đề về năng lượng điện, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác.
Đồng chí Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin đến các doanh nghiệp về hạ tầng điện của tỉnh Vĩnh Phúc: Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, việc cấp điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ quan điểm chỉ đạo của chính quyền là Vĩnh Phúc hướng tới phát triển bền vững, không đánh đổi phát triển kinh tế mà ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường.
Cũng tại Hội nghị đồng chí Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin thêm Vĩnh Phúc song song với việc quy hoạch 19 Khu Công nghiệp đồng thời cũng quy hoạch toàn bộ hệ thống cung cấp cơ sở hạ tầng trong đó có cung cấp điện. Hiện tại, đã có 20 dự án lưới điện 110kv với tổng mức đầu tư 2.233,5 tỷ đồng và một số dự án về lưới điện và trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV khác. Với số dự án điện đang triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có nhiều công trình sắp hoàn thành, đồng chí khẳng định Vĩnh Phúc sẽ đảm bảo tốt nguồn năng lượng cung cấp cho sự phát triển công nghiệp, kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.Về ảnh hưởng và phương hướng của các doanh nghiệp đối với thỏa thuận đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Lê Duy Thành cho hay “Vĩnh Phúc đã đề xuất đưa vào quy hoạch điện VIII nguồn phát điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm: 150MW điện mặt trời và 18MW điện chất thải rắn. Khi quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đóng góp vào mục tiêu Quốc gia phát thải ròng bằng 0 (không) vào năm 2050”. Ngoài ra, Vĩnh Phúc luôn khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư, chuyển đổi năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ở các nhà xưởng sản xuất, Khu công nghiệp. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp được phê duyệt đầu tư, cấp phép lắp đặt hệ thống này (Công ty TNHH Arcadyan Việt Nam trong KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, Công ty sản xuất chế biến lâm sản TMC…).
Ông Lưu Hoàng Hà – Chủ tịch Công ty Nami Energy phát biểu.
Cũng quan tâm đến vấn đề năng lượng, ông Lưu Hoàng Hà – Chủ tịch Công ty Nami Energy, một công ty chuyên đầu tư và cung cấp các giải pháp điện mặt trời phân tán và các giải pháp năng lượng bền vững cho biết: Vĩnh Phúc là một tỉnh có tiềm năng thu hút đầu tư, có tổng diện tích các khu công nghiệp rất lớn. Với diện tích này, có khả năng sản xuất ra được 2000 MW điện mặt trời áp mái. Đây là nguồn năng lượng điện sạch, có chi phí cạnh tranh góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các cam kết giảm phát thải. Ngoài ra, tỉnh đã nhận thức rõ ràng những thách thức về “An ninh năng lượng” và “Nhu cầu sử dụng điện sạch” và đồng thời là địa phương luôn ủng hộ các giải pháp năng lượng phân tán như điện mặt trời áp mái phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Ông tin tưởng Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ các vướng mắc và có các tác động đến các Bộ, nghành sớm có các chính sách nhất quán, rõ ràng để các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có thể nhanh chóng đưa điện mặt trời áp mái thành một nguồn trọng yếu trong cơ cấu nguồn điện của tỉnh./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh